Thị trường hôm nay (20/1) chia làm hai pha, với phiên sáng là sự dẫn dắt của nhóm bất động sản, còn phiên chiều là sự áp đảo của các cổ phiếu ngân hàng.
Trong phiên sáng, dòng tiền đã trở lại với các mã bất động sản và đầu cơ sau chuỗi ngày giảm sàn liên tiếp, giúp nhiều cổ phiếu thoát cảnh "trắng bảng bên mua". Một số mã thậm chí còn tăng trần với dư mua hàng triệu cổ phiếu nhờ thị giá đã giảm mạnh so với đỉnh.
Đến phiên chiều, "sân khấu" thuộc về các cổ phiếu ngân hàng. Các mã này giao dịch dưới tham chiếu trong phiên sáng nhưng bất ngờ vọt lên từ giữa phiên chiều. Với tỷ trọng vốn hóa áp đảo, đà tăng của nhóm ngân hàng kéo VN-Index tăng vọt.
Chốt phiên, VN-Index tăng 22,5 điểm (1,56%) lên 1.465,3 điểm, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn hai tuần. VN30-Index có thêm hơn 10 điểm (0,69%) lên gần 1.493 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index vượt trên tham chiếu.
VN-Index tăng hơn 22 điểm sau phiên 20/1. Ảnh: VNDirect
Sắc xanh chiếm ưu thế vào cuối phiên với 368 mã tăng trên HoSE, so với 109 mã giảm. Riêng nhóm vốn hóa lớn, 21/30 mã bluechip tăng giá.
Trong nhóm bất động sản, các mã được chú ý trong giai đoạn trước đều bật cao. DIG, CEO, DXG, HQC, SCR, PTL, ITA chốt phiên tăng kịch trần, nhóm Hoàng Huy (HHS, TCH) cũng tăng hết biên độ. Một số mã xây dựng như C4G, HBC, CTD, LCG cũng trong trạng thái tương tự.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhóm này đều giao dịch tích cực. CII, QCG dù ghi nhận thanh khoản hàng triệu cổ phiếu nhưng vẫn giảm kịch sàn cuối phiên khi lực bán chiếm áp đảo. Trong nhóm FLC, cổ phiếu ROS và FLC đã có thanh khoản trở lại nhưng vẫn trong cảnh "trắng bảng bên mua" với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị. Dù vậy, một số mã nhóm này đã thoát giá sàn như KLF, AMD, HAI.
Nhóm ngân hàng trở thành điểm nhấn trong phiên chiều. BID tăng hết biên độ, là mã tích cực nhất nhóm VN30. CTG cũng có thêm 3,8%, STB tăng 2,7%, MBB tăng 2%, VPB, TPB, VCB vượt tham chiếu. Ở những nhóm khác, POW tăng gần 6%, GAS, VHM, HPG có thêm hơn 1%.
Thanh khoản thị trường ở mức trung bình, với sàn HoSE giao dịch hơn 22.400 tỷ đồng. Khối ngoại giữ trạng thái bán ròng với quy mô hơn 150 tỷ đồng.
Minh Sơn