Ủng hộ nhưng hiếm khi mua sản phẩm xanh

 "Biết là có lợi nhưng tôi đành chịu vì cần cân đối chi tiêu gia đình. Ở siêu thị, một lít dầu đậu nành thông thường của các thương hiệu phổ thông chỉ dao động 60.000 - 80.000 đồng thôi", chị nói.

Minh Tú (TP Thủ Đức, TP HCM) từng có ý định mua dầu ép lạnh hữu cơ làm từ các nguyên liệu như hạt điều, mắc ca hay lạc được canh tác bằng phương pháp hữu cơ của một thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, rào cản chính với chị là giá vì dầu này có giá hàng trăm đến hơn triệu đồng mỗi lít tùy nguyên liệu.

Tương tự, từng mua áo làm từ sợi có nguồn gốc tự nhiên và thịt hữu cơ nhưng Tấn Lộc (Tân Phú, TP HCM) thừa nhận không thường xuyên vì với anh chúng đắt như "đồ hiệu". "Tôi thấy thực phẩm hữu cơ đắt hơn ít nhất 1,5 lần còn quần áo sợi tự nhiên đắt phải vài lần", anh kể.

Ủng hộ nhưng không hoặc hiếm khi mua sản phẩm "xanh" là kết quả cuộc khảo sát "Nhận thức và Hành vi tiêu dùng xanh 2024" do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố chiều 30/10. Tiến hành tại TP HCM và Hà Nội vào tháng 8-9 vừa qua, kết quả cho biết mức độ nhận thức tiêu dùng xanh khá cao.

Cụ thể, phần đông người được hỏi đều biết tiêu dùng xanh là mua các sản phẩm có thể tái sử dụng hay làm từ nguyên liệu tái chế (47%); cung ứng bởi quy trình sản xuất bền vững (55%); nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ (64%) và có nhãn xanh (67%).

Họ ủng hộ sản phẩm xanh vì bảo vệ sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, từ ý thức tới hành động còn khoảng cách khá lớn. Tại hai đô thị lớn nhất cả nước, tỷ lệ cho biết có mua nhiều sản phẩm xanh chỉ chiếm khoảng 12% - 18%.

Rào cản chính là đắt đỏ, đến 78% cho rằng giá cao. Ông Nguyễn Văn Phượng, Phụ trách điều tra thị trường của Hội cho hay đa số sản phẩm xanh có giá cao hơn 30-40% so với thông thường. Tuy nhiên, hầu hết người được hỏi chỉ sẵn sàng chi thêm từ 5% đến 10% để mua. Chưa kể có 18% thất vọng về chất lượng.

Các rào cản lớn khác của sản phẩm xanh là sự sẵn có (độ phủ) còn hạn chế, thiếu thông tin, chính sách khuyến khích. Trâm Nhỏ (TP HCM) là người ủng hộ nhiệt tình tiêu dùng xanh. Cô thích mua nước rửa chén, xà phòng, tinh dầu làm thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên. Nhưng cô cũng thấy bất tiện về sự phổ biến và thiếu thông tin nên không thể duy trì thường xuyên.

"Việc mang chai lọ đi refill (rót đầy lại) các loại sữa tắm, dầu gội, nước rửa chén thân thiện sẽ mất thêm thời gian vì ít điểm cung cấp. Nếu đặt ship thì lại tốn thêm đồ đựng. Hay tôi thích quần áo linen hoặc nhuộm chàm quảng bá là thuần tự nhiên, nhưng không chắc quy trình làm ra có hại gì môi trường không", cô kể.

Trâm Nhỏ với các lọ tinh dầu sản xuất thủ công bằng nguyên liệu tự nhiên. Ảnh nhân vật cung cấp

Để sản phẩm xanh dễ tiếp cận, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng cơ quan nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh qua chính sách vốn, ưu đãi thuế và phát triển cơ sở hạ tầng thu gom, tái chế. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý và tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu dùng và thực hành xanh.

Doanh nghiệp cũng cần tự đầu tư đổi mới sản xuất để giảm giá thành. Ông Nguyễn Văn Phượng khuyến nghị mở rộng phân phối cả online lẫn offline vì nhiều người không biết mua sản phẩm xanh ở đâu, và tăng tiếp thị. "Khách hàng còn mơ hồ về đồ gia dụng xanh. Có doanh nghiệp làm thiết bị sạc năng lượng mặt trời, mất điện vẫn dùng được mà không quảng bá cho nhiều người rõ", ông ví dụ.

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tân Recycle) cho rằng các nước trong khu vực cũng mới tiếp cận xu hướng sản phẩm xanh ở mức độ tương đồng với thị trường Việt Nam. "Do đó, các startup chúng ta có cơ hội phát triển trong và ngoài nước lĩnh vực này", ông nhận định.

Nửa đầu 2024, Duy Tân Recycle thu gom được 2 tỷ chai nhựa để sản xuất thành hạt nhựa tái chế, với 60% xuất khẩu sang 25 thị trường. "Sản phẩm xanh còn đắt nên khó cạnh tranh ở nội địa nên xuất khẩu cũng là một con đường", ông nói.

Khách tham quan một số sản phẩm xanh được trưng bày tại buổi công bố vòng chung kết 36 đội tham gia cuộc thi Khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững 2024 của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chiều 30/10 tại TP HCM. Ảnh: BSA

Một số chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng trong lúc thị trường trong nước còn kén khách sản phẩm xanh vì giá đắt thì doanh nghiệp có thể bám trụ bằng cách tiếp cận với nhóm khách hàng nước ngoài hoặc ưu tiên xuất khẩu để có đầu ra. Về dài hạn, giá thành sẽ giảm khi khả năng cải tiến sản phẩm và quy mô sản xuất tăng dần. Đồng thời, khả năng chi tiêu tốt hơn sẽ giúp sản phẩm xanh dần có chỗ đứng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cô giáo tiếng Anh Nguyễn Thị Hồng Lan cùng hai cộng sự là Dương Quang Chung và Nguyễn Thị Hoàng Anh đã có một showroom bán các mặt hàng trang trí nghệ thuật cao cấp từ vỏ sò ốc. Đây là từ ý tưởng của cô giáo Lan mùa Covid-19, khi trung tâm tiếng Anh mà cô dạy đóng cửa.

Nhìn những vỏ sò, vỏ ốc đổ bỏ hôi thối từ các nhà hàng hải sản, cô đến xin mang về để làm sạch và tái chế thành các tác phẩm nghệ thuật. "Tôi có mong muốn thu gom rác tại các nhà hàng để bảo vệ môi trường. Hiện showroom của chúng tôi đã được cấp phép đón các đoàn khách quốc tế đến tham quan địa phương", cô kể.

Viễn Thông


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2433
Số người truy cập:
9241982