Vì sao trứng gà nâu đắt hơn trứng trắng?

 Marc Dresner, giám đốc tiếp thị và truyền thông của Hội đồng trứng Mỹ - đơn vị đại diện cho các nhà sản xuất trứng, cho biết trứng vỏ trắng rất phổ biến ở Mỹ so với trứng nâu. Nghiên cứu của Nielsen cho biết trứng nâu chỉ chiếm 9,4% sản lượng tiêu thụ. Nguyên nhân là bởi trứng trắng có giá thành rẻ hơn.

Tuy nhiên sự khác biệt về giá bán không đến từ giá trị dinh dưỡng hay mùi vị. Nhiều nghiên cứu được thực hiện đã chứng minh trong mỗi quả trứng vỏ nâu và vỏ trắng đều chứa khoảng 70 calo, 6 gram protein cùng với một số chất béo không bão hòa lành mạnh.

Trứng gà nâu đắt hơn trứng gà trắng bởi chi phí chăm sóc giống gà đắt hơn, vật nuôi tiêu thụ nhiều thức ăn hơn. Ảnh: Edmund McNamara

Daniel Brey, chủ sở hữu của Brey’s Egg Farm - một trang trại trứng sản xuất hơn 200.000 quả trứng trắng ở Jeffersonville, New York, nói về cơ bản không có sự khác biệt về dinh dưỡng giữa trứng trắng và trắng nâu. Màu sắc của vỏ trứng có liên quan đến giống gà.

Một số giống gà như Leghorn thường đẻ trứng có vỏ trắng, trong khi Rhode Island Reds lại cho trứng màu nâu. Theo Brey, gà đẻ trứng vỏ nâu có kích thước lớn hơn và tiêu thụ nhiều thức ăn hơn hơn gà đẻ trứng vỏ trắng. Điều này khiến giá bán trứng nâu tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, giống gà đẻ trứng nâu cần được nuôi thả trong không gian rộng rãi, môi trường sống tốt để đảm bảo chất lượng trứng, buộc phải tăng chi phí sản xuất.

Sova Farms, một trang trại sản xuất khoảng 350 quả trứng nâu mỗi ngày ở Norwich, Mỹ cho biết một tá trứng vỏ nâu được bán với giá 4,5-6 USD. Trong khi một tá trứng trắng có giá khoảng 2,5 USD, tăng từ 1,5 USD so với một năm trước, theo dữ liệu hàng tuần mới nhất của chính phủ Mỹ.

Trang trại Sova ở Norwich, New York chăn thả gà ở không gian đủ rộng, điều kiện phù hợp để đảm bảo chất lượng trứng nâu. Ảnh: Edmund McNamara

David Anderson, giáo sư kinh tế nông nghiệp, chuyên ngành kinh tế chăn nuôi tại Đại học Texas A&M, đã nghiên cứu giá trứng và các yếu tố ảnh hưởng đến nó trong các trang trại và siêu thị.

Theo giáo sư, ngoại trừ các yếu tố bên ngoài như nhu cầu tiêu thụ lớn, dịch bệnh gây thiệt hại về gia cầm, chi phí sản xuất giống màu nâu trên mọi phương diện đều cao hơn.

"Nếu chi phí sản xuất lớn, chúng có thể sẽ được định giá cao hơn cho người tiêu dùng chứ không phải về giá trị dinh dưỡng", ông David nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, chính tâm lý "trứng vỏ nâu có giá trị dinh dưỡng cao hơn" hằn sâu vào tâm trí người tiêu dùng cũng vô tình đẩy giá bán cao hơn.

Minh Phương (Theo CNN, Huffpost, Healthline)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3577
Số người truy cập:
9244010