Trứng gà cà gai leo là một trong những đặc sản của trang trại do ông Phan Trung Kiên - nông dân ở Chương Mỹ, Hà Nội - làm chủ. Sản phẩm được nhiều người tiêu dùng quan tâm, tìm mua thời gian qua, dù giá gần 9.000 đồng một quả - gấp ba lần trứng gà thông thường.
Ông Kiên cho biết món này độc lạ, ngoài hương vị thơm ngon, không có vị tanh, nồng, sản phẩm còn chứa hàm lượng cholesterol thấp, đảm bảo an toàn sức khỏe. Ông áp dụng hai công thức riêng để tạo nên loại trứng gà khác biệt, đầu tiên là theo đuổi mô hình nuôi gà nghe nhạc. Theo ông, nếu chỉ dựa vào cách nuôi truyền thống, đàn gà sẽ phát triển không đồng đều, chất lượng trứng khó đảm bảo. Trong khi cho gà nghe nhạc có thể tạo ra sản phẩm tốt hơn.
"Khi bật nhạc, đàn gà sẽ tập trung ăn uống. Nếu nuôi theo cách truyền thống, gà ăn không đều và đi lại liên tục. Bật nhạc với âm thanh vừa đủ, chúng sẽ không bị stress, tiêu hóa thức ăn tốt hơn", ông lý giải.
Thứ hai, khẩu phần ăn hàng ngày của gà có thêm cà gai leo - dược liệu rất tốt cho gan. "Tôi từng có 10 năm làm việc cùng các nhà cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, có cơ hội gặp các chuyên gia nước ngoài, họ nói muốn gà đẻ trứng ngon, tốt cho sức khỏe buộc phải chăm sóc lá gan của nó. Từ đó, tôi chọn cà gai leo trong chăn nuôi và không dùng các chất kháng sinh", ông Kiên cho hay.
Trước đó, ông nổi tiếng trong ngành nông nghiệp - dược liệu nhờ mô hình sản xuất cà gai leo khép kín, phát triển vùng nguyên liệu ngay trên quê hương Chương Mỹ, chế biến và bán nguyên liệu thô cho các công ty dược phẩm trong nước. Ông còn phát triển một thương hiệu riêng chuyên cà gai leo.
Theo ông Kiên, trước đây, nhiều người vẫn nghĩ cà gai leo là một giống cây dại, phải nhổ bỏ tận gốc để ưu tiên các giống lương thực, thực phẩm. Từ những năm 1990, một số nghiên cứu chỉ ra loài cây này có nhiều dược chất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan tới gan như ung thư gan, xơ gan, hạ men gan... Đến thập niên 2010, cà gai leo vẫn rất kén người trồng.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình gắn với cà gai leo vì nó là cây dại, gây hại cho nông nghiệp", ông Kiên nói. Tuy nhiên trong một lần say rượu, mẹ ông nấu một ấm nước cà gai leo giải rượu cho con và ông cảm nhận được hiệu quả tức thì. Sau thời gian dài tìm hiểu, đọc nhiều công trình nghiên cứu và hiểu tác dụng của nó, ông quyết định cùng bạn khởi nghiệp.
Ông Kiên cho biết khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Thứ nhất, lĩnh vực này phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thổ nhưỡng, ánh sáng, nguồn nước. Riêng với cà gai leo, nông dân phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như thiếu kiến thức kỹ thuật canh tác, trồng trọt.
Những giống cây trồng truyền thống đã có kỹ thuật trồng bài bản, cách cho ra năng suất cao nhất. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về các phương án canh tác, trồng trọt cà gai leo. Vì vậy, thời điểm đầu, ông Kiên chấp nhận "thất bại có kế hoạch", vừa trồng, vừa nghiên cứu phương án hiệu quả nhất cho loài cây này.
"Các tài liệu nghiên cứu trong nước đa phần chỉ nói về đặc điểm ưa ẩm, sáng của cà gai leo nhưng lại không chỉ cách trồng thế nào cho hiệu quả, cách lên luống, tưới tiêu ra sao. Vì vậy, chúng tôi chỉ có cách dựa vào đặc tính giống với khoai tây, khoai lang, từ đó có phương án trồng trọt tốt nhất", ông Kiên nói.
Tiếp đó, các sản phẩm nông nghiệp thường chịu tác động của thị trường, giá cả và đầu ra không ổn định. Giai đoạn mới khởi nghiệp (2015), một kg cà gai leo sấy khô tạo cơn sốt với giá 120.000 - 150.000 đồng, cao gấp đôi lúa gạo. Thực trạng này khiến nhiều hộ dân quyết định nhổ lúa, trồng cà gai leo. Tuy nhiên rất nhanh sau đó thị trường bị bão hòa, giá sản phẩm tụt dốc còn 40.000-50.000 đồng một kg, thậm chí có lúc còn dưới 20.000 đồng.
"Khi giá xuống, nông dân lại quay về trồng lúa hoặc các giống lương thực truyền thống khác, nhưng riêng tôi vẫn trung thành với cà gai leo. Lúc đó, quả thực bài toán đầu ra rất khó khăn. May mắn nhiều người ngày càng đánh giá cao hiệu quả của cà gai leo và các kênh bán online ngày một phát triển. Dần dần, các sản phẩm cà gai leo ngày càng được quan tâm. Tôi tự nhận bản thân không giỏi, nhưng được cái lỳ, nên mới gắn bó ới loại cây dại này như vậy", ông Kiên kể.
Đến nay, ông Kiên đã phát triển hơn 100 ha trồng cà gai leo trên cả nước. Ngoài cà gai leo gắn liền với thương hiệu Sadu và dòng trứng gà cà gai leo, sắp tới ông nghiên cứu sâu hơn để các sản phẩm nông nghiệp nhằm gắn liền với giống cây dại này.
Vạn Phát