Sina dẫn lời Li Xue, thuộc thế hệ 9x đời đầu, cho biết khi anh còn học đại học, những chiếc điện thoại khoảng 1.000 nhân dân tệ (3,4 triệu đồng) vẫn được ưa chuộng. "Chúng hoạt động tốt, kiểu dáng ưa nhìn. Sau một năm dùng, bộ nhớ thường đầy và chúng tôi đổi thẻ nhớ, thay vì đổi điện thoại", Xue nhớ lại. Anh cũng cho biết giá smartphone giờ quá đắt.
Vài năm trước, những model đầu bảng tại Trung Quốc có giá 4.000-5.000 tệ (13,8-17.2 triệu đồng), nhưng giờ lên đến 7.000-8.000 tệ (24,2-27,6 triệu đồng), thậm chí có model lên đến hơn chục nghìn tệ.
Theo hãng phân tích thị trường Canalys, giá điện thoại thông minh năm 2021 tăng 10% so với năm trước. "Điện thoại giá rẻ không mang lại lợi nhuận. Chúng được tung ra để chiếm thị phần và các thương hiệu đều đã sẵn sàng sản xuất di động cao cấp", đại diện Vivo nói.
Hồi quý II/2021, Counterpoint cho biết Apple chiếm 75% lợi nhuận của thị trường smartphone toàn cầu. Ở giai đoạn đỉnh cao, con số này lên đến 86%. Do đó, mục tiêu của hầu hết các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc là "sánh ngang Apple và đánh vào phân khúc cao cấp".
Khi nâng giá điện thoại, người tiêu dùng đầu cuối sẽ chịu thiệt. Giá tăng cũng khiến chu kỳ đổi điện thoại kéo dài hơn. Theo Strategy Analytics, thời gian thay thế smartphone trung bình của người dùng Trung Quốc hiện là 28 tháng.
Covid-19 cũng khiến người dùng chi tiêu dè dặt hơn, khiến doanh số điện thoại ở đất nước tỷ dân giảm đi đáng kể. Sun Yanbiao, Chủ tịch Chaodian Think Tank, cho biết người dùng ở thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến chiếm hơn 30% thị trường smartphone cao cấp. Tuy nhiên, đại dịch xảy ra khiến nhu cầu mua sắm bị giảm đột ngột.
Ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát, việc mua sắm vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi. Nhân viên một cửa hàng Xiaomi ở Bắc Kinh cho biết trong ngày cuối tuần, họ chỉ có 2-3 khách ghé thăm. "Dù vậy doanh số tại cửa hàng vẫn tốt hơn trên các gian hàng trực tuyến. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến chúng tôi phải bỏ qua nhiều đợt phát hành smartphone mới", nhân viên của Xiaomi nói.
Sina dẫn các báo cáo cho thấy trong quý I/2022, doanh số của Oppo tại Trung Quốc giảm 37,6%, Vivo giảm 29,9%, Apple giảm 1,3% và Xiaomi giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, một lý do khác khiến người dùng Trung Quốc không mặn mà lên đời điện thoại là thiết kế của smartphone đã quá nhàm chán, không tạo được hứng thú mới. Đầu tháng 6, số liệu của công ty nghiên cứu DSCC cho thấy trong quý I/2022, các lô hàng smartphone màn hình gập đã tăng 571% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá smartphone gập lại tương đối cao và chủ đề "điện thoại di động màn hình gập 10.000 tệ có quá vô lý" cũng được thảo luận sôi nổi khắp các diễn đàn công nghệ.
Theo các chuyên gia, smartphone gập phổ biến ở Trung Quốc như Honor Magic V, Huawei Mate X đều được thiết kế để biến màn hình nhỏ thành lớn hơn, nhằm tạo sự thuận tiện khi xem phim và chơi game. Nhưng những người đủ khả năng mua chúng lại không dùng để giải trí. Ngoài ra, thiết kế máy chưa hoàn thiện, như nếp gấp, bản lề còn dày... Do đó, loại smartphone này vẫn chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy nhu cầu lên đời điện thoại của người dùng.
Khi thị trường smartphone còn giữ được tốc độ tăng trưởng hấp dẫn, một số công ty đã bắt đầu chuyển sang những vùng đất mới. Huawei mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực về xe điện và bán dẫn. Xiaomi cũng ôm tham vọng ra mắt xe điện vào năm 2024. Oppo đang tiến sâu vào thị trường kính thực tế ảo. Smartphone không còn là ưu tiên phát triển của các công ty di động khi nhu cầu của người dùng ngày càng giảm.
Khương Nha (theo Sina)