Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam - Ảnh: N.KH
Sáng 31-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3-2023 với chủ đề: "Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”.
Ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay sầu riêng là sản phẩm xuất sang Trung Quốc có nhiều triển vọng nhất nhờ vào việc ta đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang sang thị trường này.
Tuy vậy, có khó khăn là hiện Trung Quốc mới chỉ cấp 246 mã vùng trồng xuất khẩu. Đây là con số quá ít so với Thái Lan là tới 20.000 mã vùng trồng, 2.000 mã cơ sở đóng gói mà ông tìm hiểu được.
Trong khi đó, với diện tích trồng sầu riêng hiện nay mang về sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, với kim ngạch hàng tỉ USD, nếu không mở rộng hơn nữa việc cấp mã số vùng trồng sẽ rất khó khăn.
"Tôi lo ngại có thể xảy ra hiện tượng “thắt cổ chai” trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, khi ta có nguồn hàng lớn nhưng lại không có đủ quota để xuất khẩu" - ông Nguyên nêu.
Do đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật khi cơ quan hải quan Trung Quốc sang kiểm tra các vườn trồng để cấp mã số.
Có biện pháp xử lý với vi phạm sở hữu trí tuệ vùng trùng, mã đóng gói, chống hàng giả, hàng nhái. Tạo thuận lợi về vốn, thị trường cho chế biến rau quả…
Ông Nông Đức Lai - tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) - cho biết việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại tạo ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, nước này áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý chất lượng với hàng nông sản thực phẩm, cũng như mở rộng thị trường nội địa, ưu tiên tiêu dùng trong nước.
Trong đó, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ về hàng hóa từ những nước có thông tin về dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn. Sẵn sàng đưa ra các biện pháp tạm dừng nhập khẩu với các sản phẩm có liên quan tới dịch bệnh.
Thêm nữa là Lệnh 248 của Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu chi tiết cho nhóm thực phẩm phải đăng ký mã số, kiểm soát chất lượng hàng hóa gắt gao hơn.
“Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật nên hàng hóa Việt Nam gặp không ít khó khăn. Qua theo dõi cho thấy số lượng hàng Việt Nam bị cảnh báo khi nhập khẩu vào Trung Quốc ngày càng tăng. Năm 2021 ta xếp thứ 4 thì năm ngoái tỉ lệ lô hàng bị cảnh báo xếp thứ 2” - ông Lai thông tin.
Đồng thời, ông cũng khuyến nghị các địa phương có đường biên giới với các nước có dịch bệnh cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Điều này nhằm đảm bảo không ảnh hưởng sản phẩm hàng hóa của ta xuất sang Trung Quốc, đặc biệt là nhóm hàng mà Việt Nam đang đàm phán.
Ông dẫn chứng, trong năm ngoái, Việt Nam đàm phán mở cửa cho các sản phẩm tổ yến, bao gồm yến thô và yến tinh. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán khi có thông tin về trường hợp H5N1 thì phía bạn đã dừng với sản phẩm yến thô, và chỉ chấp thuận bàn thảo đàm phán với yến tinh đã qua chế biến, gây nên nhiều bất lợi.
Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho hay trong bối cảnh khủng hoảng vừa qua đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu.
Trong khi đó, chính sách bảo hộ ngày càng gia tăng, khi Mỹ là nước điều tra nhiều nhất với hàng hóa Việt Nam về phòng vệ thương mại (với 53 vụ việc), đặc biệt chống lẩn tránh thuế.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa giúp nhập khẩu tăng trưởng trở lại. Gần đây, Quốc hội Mỹ đưa ra dự thảo luật nhằm hạn chế xuất khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ và qua đó tác động đến xuất khẩu Việt Nam.
NGỌC AN