Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá niêm yết tại Sở giao dịch vào sáng nay (23/7). Theo đó, giá bán ra USD được điều chỉnh tăng từ 23.050 đồng lên 23.273 đồng, tăng 223 đồng so với cuối tuần trước.
Động thái này là lần điều chỉnh tăng trở lại sau 20 ngày cơ quan quản lý giảm tỷ giá bán ra của Sở giao dịch để can thiệp thị trường. Trước đó ngày 3/7, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỷ giá bán ra từ 23.300 đồng về 23.050 đồng.
Trước động thái này, giá đồng bạc xanh tại các nhà băng liên tục đi lên mạnh từ 10h sáng khi cầu vẫn tăng lên.
Tại Vietcombank, lúc 13h, tỷ giá lên "đỉnh" mới khi niêm yết mức mua vào 23.190 đồng còn bán ra 23.260 đồng. Giá này cao hơn hôm cuối tuần tới 180 đồng và cao hơn đầu ngày 140 đồng. Một số nhà băng khác như Techcombank, Eximbank bán ra 23.270 đồng và 23.290 đồng còn mua vào lần lượt ở 23.170 đồng và 23.190 đồng. Trong khi đó, mức giá cao nhất là thuộc về Ngân hàng Sài Gòn Thương tín Sacombank khi bán ra chạm 23.300 đồng, tăng gần 200 đồng, còn mua vào là 23.190 đồng so với cuối tuần rồi.
Đợt tăng tỷ giá USD/VND lần này bắt đầu từ sáng nay. Vietcombank sáng nay niêm yết giá mua - bán đồng bạc xanh ở mức 23.020 - 23.090 đồng, tăng mạnh 140 đồng ở cả hai chiều. Một số ngân hàng khác cũng có động thái tương tự.
Trên thị trường tự do, diễn biến của tỷ giá có phần thận trọng hơn. Các điểm thu mua ngoại tệ trên phố Hà Trung, Hà Nội giữ nguyên giá bán ra USD là 23.300 đồng so với thời điểm mở cửa, nhưng tăng giá mua vào từ 23.260 đồng lên 23.280 đồng. Biên độ giữa giá mua - bán được thu hẹp chỉ còn 20 đồng.
Tại TP HCM, một số điểm thu mua cũng có động thái tương tự khi nâng tỷ giá USD, đồng thời thu hẹp chênh lệch giá mua - bán. Mức tỷ giá giao dịch phổ biến là 23.310 ở chiều mua và 23.330 đồng chiều bán ra.
Như vậy, nếu so với đầu tháng, mỗi USD tăng gần 400 đồng. Đây là đợt tăng thứ tư của giá USD tính từ đầu năm đến nay và cũng là đợt tăng mạnh nhất. Trong khi đó, giá USD ngoài thị trường tự do vẫn lặng sóng. Chiều nay, một số điểm bán ngoại tệ tại TP HCM có giá mua bán dao động 23.270-23.350 đồng, không thay đổi so với cuối tuần.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam cho biết, việc CNY phá giá gây áp lực lớn đến các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam vì quan hệ thương mại hai chiều rất lớn; đồng thời Việt Nam cũng cần giữ lợi thế về xuất khẩu với Trung Quốc. Bên cạnh đó, không chỉ Trung Quốc mà các nước khác như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Singapore,… cũng đều giảm giá đồng nội tệ mạnh trong một tháng qua. Ngoài ra, hiện có nhiều dòng thanh toán ngoại tệ cũng như cán cân thương mại Việt Nam đang nhập siêu gần 900 triệu USD trong nửa đầu tháng 7... đã gây áp lực tỷ giá.
Trước diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức can thiệp ổn định tỷ giá. Theo vị này tiết lộ, trong 3 ngày cuối tuần vừa, các ngân hàng thương mại đã đăng ký mua vào hơn 2 tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước nhưng tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. “Nếu nhân dân tệ tiếp tục phá giá nhanh và mạnh như mấy ngày trước đó (giảm gần 0,8% trong một ngày) và Việt Nam duy trì nhập siêu trong tháng 7 thì tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu áp lực”, ông nhìn nhận.
Lệ Chi - Minh Sơn