Dân buôn online sẵn sàng thức xuyên đêm để 'canh' Black Friday

 Hôm nay (23/11) mới là Black Friday - dịp khuyến mãi lớn nhất trong năm của các thương hiệu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, từ giữa tháng 11, chị Nguyên - một đầu mối chuyên nhận đặt hàng từ Mỹ đã bắt đầu "quăng link" những nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm... sẽ giảm giá để khách hàng "đặt gạch". Dịp này, nhiều thương hiệu lớn giảm giá 50%, một số nhãn hàng mở bán giảm theo từng nấc, khởi đầu 20-30%, sau đó tăng dần lên 50-70%... 

Chị Nguyên kể, năm ngoái từ lúc đăng link hàng giảm giá các hãng thời trang, mỹ phẩm, giày dép... lên trang cá nhân, số lượng khách đặt hàng và gửi tin nhắn riêng (inbox) "nhảy" liên tục theo giờ, khiến chị trả lời không kịp. Rút kinh nghiệm, một tuần trước ngày cao điểm Black Friday năm nay, chị đã huy động thêm 2 nhân viên cùng túc trực trả lời tin nhắn, tư vấn khách chọn mẫu, size... Ngoài chọn mẫu, lên đơn hàng..., chị Nguyên cùng nhân viên phải ngồi túc trực trước máy tính 24/7 để "săn" hàng cho khách. Thường thời điểm "thức thâu đêm, suốt sáng, quên cả ăn, nhịn cả đi vệ sinh" của dân buôn hàng online bắt đầu một hoặc hai ngày trước Black Friday.

"Việt Nam và các nước chênh lệch múi giờ nên khi hàng sale được mở bán ở nước họ thì bên mình thường là đêm hoặc sáng sớm. Hàng sale thì sẽ hết rất nhanh, nên phải canh me từng phút, thậm chí từng giây. Vào thời điểm này có những hôm tôi chỉ được ngủ 2-3 tiếng, thức xuyên đêm", chị bộc bạch. 

Các hãng thường tung đợt sale mạnh vào dịp cuối năm để kích cầu người tiêu dùng. 

Các hãng thường tung đợt sale mạnh vào dịp cuối năm để kích cầu người tiêu dùng. 

Nói về chuyện đặt hàng dịp Black Friday, Bích Hoa - chủ một shop chuyên nhận hàng từ nước ngoài tại Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị đã mượn thêm 3 chiếc máy tính để "tập trung toàn bộ lực lượng cho mùa sale năm nay". 

"Thời điểm này các kênh bán hàng online khó kết nối, khó đặt nhiều cùng lúc nên phải có phương án dự phòng đảm bảo các đơn hàng khách đã đặt không bị "đổ"", chị Hoa chia sẻ. Trường hợp hàng mua trên kênh trực tuyến hết, chị sẽ huy động người nhà tại Mỹ tới cửa hàng gom đồ trực tiếp. 

Đã nhiều năm có kinh nghiệm nhập hàng nước ngoài, nhất là Mỹ, hầu hết các mối buôn hàng online đều khuyến cáo khách hàng "chọn hàng, gửi link trước" để đúng ngày mở bán các mối buôn chỉ việc đặt mua. Hàng giảm giá sâu nên "bay" size rất nhanh. Mua càng sớm thì hàng sẽ đảm bảo đủ mẫu, đủ size.

Mùa sale cuối năm cũng là dịp các mối nhận đặt hàng dồn tổng lực, kiếm lời. Các mặt hàng nhận order từ nước ngoài thường chịu phí mua hộ 5-8% giá sản phẩm. Giá bán khi đến tay người tiêu dùng sau khi nhân tỷ giá còn phải cộng thêm thuế, công vận chuyển, mua hộ. Mỗi món, người nhận đặt có thể lãi 50.000 - 80.000 đồng. Với gần 500 món đồ đã được khách đặt cọc trước thời điểm Black Friday, ước tính chị Nguyên thu về gần 50 triệu đồng, chưa kể các đơn sẽ phát sinh trong ngày chính hội sale.

Ngày mua sắm "Thứ sáu đen tối" cũng là dịp các đầu mối đặt hàng phá nguyên tắc mua bán thông thường. Khách đã mua quen, khách VIP không cần đặt cọc, miễn phí công mua, hoặc công mua thấp ... là những "chiêu" dân buôn online thu hút khách mua hàng dịp này, cạnh tranh với đợt Black Friday đến từ các nhãn hàng trong nước.

Theo chị Nguyên, khách đông, tiền công sẽ nhiều nhưng để kiếm được vài chục ngàn đồng từ mỗi món đồ không hề đơn giản. Rủi ro với người buôn hàng xách tay không ít. Một trong số rủi ro theo các đầu mối là việc bị khách "chạy làng".

"Nhiều người thấy rẻ cứ đặt mua liên tiếp, nhưng khi hàng về thấy số tiền trên hoá đơn nhiều quá nên "bùng". Những trường hợp như vậy không cách nào khác là dân nhận đặt hàng phải "ôm". Chưa kể cuối năm hàng hay bị kẹt khâu thông quan và đủ thứ lý do khách khiến hàng về chậm", chị Bích Hoa bộc bạch.

Bất chấp những lo ngại này, chị Hoa và những người làm nghề này vẫn tự tin hướng tới một ngày thứ Sáu không đen tối về doanh thu và lợi nhuận.

Anh Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
45384
Số người truy cập:
7526811