Hơn một năm trước, quả Magic-S hay còn gọi là cà chua thân gỗ được người dân Lâm Đồng săn lùng nguồn giống với giá từ 100.000 - 150 000 đồng mỗi cây, còn giá quả ở mức một triệu đồng một kg (hàng xách tay), nhưng hiện tại người trồng lâm cảnh bán không ai mua, cho không ai lấy.
Sau khi giống cây có xuất xứ từ vùng Nam Mỹ du nhập vào Việt Nam bằng con đường trao đổi giống, và canh tác đại trà tại Lâm Đồng từ đầu 2017 với sự tham gia của cả doanh nghiệp, diện tích Magic-S toàn tỉnh Lâm Đồng đã lên tới hơn 30 ha, trong đó có gần 12 ha cho thu hoạch.
Xã Tu Tra, huyện Đơn Dương là nơi có phong trào trồng cà chua thân gỗ khá sớm. Nơi đây có 7 hộ nông dân đã thành lập hẳn Hợp tác xã nông nghiệp magic-S Rạng Đông để hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật cũng như tiêu thụ. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết sau khi tiếp nhận thông tin về giá trị kinh tế mà cà chua thân gỗ đem lại, nhất là được một lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng phát biểu đây là "cây làm giàu cho nông dân và doanh nghiệp", bà con nông dân ở Tu Tra rất tin tưởng. Tháng 6/2017, một nông dân ở cùng thôn đã mạnh dạn bán hết đàn bò sữa đang cho thu lãi trên một triệu đồng mỗi ngày để chuyển sang trồng loại cây. Nhóm của ông Hà gồm 3 người thì đã mua 1.100 cây Magic-S về trồng với giá 100 000 đồng mỗi cây. Nhờ được chăm sóc tốt, cây phát triển rất nhanh, thường xuyên được đón nhiều đoàn tới tham quan, học hỏi mô hình, nên nhóm đã tiến hành thành lập hợp tác xã.
"Giờ thủ tục thành lập hợp tác xã đã hoàn tất nhưng không giám tổ chức công bố vì kết quả hiện quá ê chề", ông Hà buồn bã nói.
Trái cà chua thân gỗ ở Lâm Đồng đang chịu cảnh ếm ẩm. Ảnh: Quốc Dũng |
Theo ông Nguyễn Bá Tôn, thành viên HTX Rạng Đông, từ tháng 6 đến 10/2018, các ông đã bán cho Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt 4 đợt, tổng cộng 2.891 kg quả cà chua thân gỗ. Hai đợt đầu tiên (hơn 1.100kg), doanh nghiệp này thu mua với giá 150.000 đồng một kg. Khoảng 1.700 kg của hai đợt còn lại, giá chỉ còn 50.000 đồng. Thậm chí, trong hai đợt bán quả sau, Hợp tác xã còn chưa nhận được tiền. Lãnh đạo hợp tác xã đã cố gắng liên hệ với một số nơi để bán nhưng không đơn vị nào nhận mua.
Hiện tại cà chua thân gỗ ở xã Tu Tra đã cho thu hoạch khá đều nhưng các hộ dân không tìm được nơi tiêu thụ. Để trái chín rụng ngoài vườn không đành, các hộ tiếp tục bỏ ra hàng chục triệu đồng mua tủ đá cỡ lớn để tích trữ đông lạnh. Thậm chí nhiều hộ hái đem biếu người thân quen nhưng họ không ăn vì không hợp khẩu vị.
Một doanh nghiệp khá nổi tiếng chuyên kinh doanh, cung cấp rau củ quả Đà Lạt cũng đầu tư trồng gần một ha Magic-S tại huyện Lạc Dương thì cho biết, ban đầu ngoài việc đầu tư trồng trực tiếp, ông còn tính tới thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhưng nay thật sự bế tắc, vì sản phẩm của công ty cũng không tiêu thụ được. Số diện tích đã lỡ trồng, công ty vẫn duy trì nhưng hướng tới khai thác du lịch canh nông.
Theo tính toán của người dân, một cây Magic-S trưởng thành có thể cho thu hoạch 20 kg trái mỗi năm. Với giá thỏa thuận bao tiêu như ban đầu là 150.000 đồng một kg, mỗi cây cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng một năm.
Quốc Dũng