"Vua sân cỏ" hoang mang vì VPF nợ tiền

Chiếc bánh vẽ to tướng

“Thu nhập của giám sát, trọng tài phải đạt cỡ hơn 30 triệu đồng/ tháng. Như vậy họ mới toàn tâm toàn ý cho chuyên môn, bắt tốt chứ không phải lo “cắn” tiền của đội bóng”. Trong bản thuyết trình cho đề án thành lập VPF, bầu Kiên đã tuyên bố chắc nịch như vậy. Bầu Kiên hay những ông bầu ủng hộ cho VPF đều tin rằng, thu nhập cao sẽ là liều vắc-xin phòng tiêu cực ở giới giám sát, trọng tài.

"Vua sân cỏ" hoang mang vì VPF nợ tiền, Bóng đá, bong da viet nam, vff, vpf, bong da, bao, the thao, super league

Các trọng tài đang phải tiêu tiền nhà để phục vụ cho cuộc chơi khoác áo Ngoại hạng

Quả thật, chế độ dự kiến dành cho giám sát, trọng tài mùa 2012 được VPF nâng lên như diều gặp gió. Cụ thể, trọng tài chính bắt 1 trận Super League đút túi 8 triệu đồng, 2 trợ lý và trọng tài bàn nhận 5 triệu đồng/ người; ở Cup Quốc gia và giải hạng Nhất, thu nhập tương ứng là 5 triệu và 3 triệu đồng/ người, tùy vào vị trí đảm đương.

Thử nhẩm tính, trong 1 tháng, nếu trọng tài loại cứng bắt đủ 4 trận đấu ở Super League, trong khi tiền di chuyển, ăn ở được bao trọn gói, cứ ngon ơ đút túi 30 triệu đồng. Cứ gọi là đổi đời, một trời một vực so với mức giá bèo 2 triệu đồng/ trận ở V-League 2011.

Chiếc bánh vẽ to tướng khiến các vua sân cỏ khấp khởi mừng thầm, bởi từ mùa này họ có thể sống khỏe bằng nghề cầm còi, cầm cờ. Tuy nhiên, sau 2 lượt đấu của Cup Quốc gia, lượt khai màn Super League và giải hạng Nhất 2012, thay vì mở cờ chờ điện thoại rung báo tiền về tài khoản, khuôn mặt của các vua sân cỏ bắt đầu méo xẹo, nhăn nhó.

Gần một tháng xa nhà cầm còi, cầm cờ, tài khoản chưa thấy đổ tiền về, chỉ thấy hầu bao teo tóp dần. Ông vua sân cỏ nào nhà có điều kiện thì ứng trước tiền nhà chi tiền di chuyển, ăn ở, làm nhiệm vụ, còn người kinh tế khó thì… giật nóng bạn bè, lấy tiền đi thổi còi, phất cờ. Hoàn cảnh các “vua” thê thảm đến mức khó tưởng tượng.

“Chúng tôi chưa nhận được 1 xu tiền làm nhiệm vụ hay công tác phí”, một vua sân cỏ than thở, “Mấy tuần rồi, hết vác tiền nhà đi tiêu lại vay nóng của bạn bè. Túi tiền ai cũng lép kẹp. Trước giải, nghĩ đến thu nhập cao, ai cũng mừng, nhưng bây giờ toàn tiêu tiền túi, vợ con thì réo rắt, buồn và lo đến thắt ruột. Tiền thì trước sau cũng được nhận, nhưng thấy mà xót ruột và lo, không biết bao giờ mới hết cảnh tiêu tiền nhà”.

Màu hồng còn xa

Đầu tháng 12.2011, sau khi VFF tổ chức lớp tập huấn giám sát, trọng tài cho mùa giải 2012 ở Đà Nẵng, đại diện VPF đã bay vào tận nơi, phổ biến kế hoạch trong các vua sân cỏ. Theo đó, mỗi trọng tài, trợ lý được phát 2 thẻ ATM của Eximbank, một thẻ dùng để nhận tiền làm nhiệm vụ mỗi trận đấu, một thẻ dùng thanh toán chi phí di chuyển, ăn ở.

VPF lên phương án, tạm ứng cho mỗi trọng tài làm nhiệm vụ ở Super League 40 triệu đồng, hạng Nhất 26 triệu đồng trong tài khoản, dùng để làm công tác phí cho linh động. Khi thanh toán, họ chỉ cần làm giấy đề nghị cho giám sát trọng tài để giám sát báo cáo về VPF là được xử lý.

Thế nhưng, cho đến giờ này, có trọng tài đã nhận được đầy đủ thẻ ATM nhưng tài khoản thì vẫn “mo”. Trong khi đó, sau 3 lượt trận, có vua sân cỏ do phải di chuyển máy bay từ Bắc vô Nam và ngược lại đã tự “tạm ứng” mất vài chục triệu đồng. Thế cho nên, khi tài khoản và ATM không có tin nhắn báo tiền đổ về, tất thảy đều héo hắt.

Theo Phó ban trọng tài Đoàn Phú Tấn, nhiều vua sân cỏ đã than phiền với ông về việc chưa được thanh toán tiền di chuyển, ăn ở và làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngoài việc báo cáo lại VPF, ông Tấn hoàn toàn bó tay vì chính ông cũng rơi vào cảnh… chờ tiền như vậy.

Trong khi đó, Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn từng hứa, trước lượt khai mạc Super League và hạng Nhất, các vua sân cỏ sẽ được thành toán chế độ, công tác phí ở các trận Cup Quốc gia. Vậy nhưng, lời hứa vẫn đang tạm bay theo gió.

Có thông tin cho hay, hiện VPF chưa xây dựng được cơ chế chi tiêu cụ thể, còn tài khoản thì rỗng vì còn đang quá trình nhận bàn giao tài trợ từ VFF, tiền vốn pháp định cũng chưa có vì các CLB chưa chuyển tiền. Cho nên, việc VPF thiếu nợ vua sân cỏ gần như là chuyện… hiển nhiên và chưa biết ngày đáo nợ!


Giày Đại Phát solution
Số người online:
42553
Số người truy cập:
9089894