Sau rất nhiều công sức, rốt cuộc Real Madrid cũng đã đưa được hậu vệ Fabio Coentrao về sân Bernabeu. Dù đã bỏ tới 30 triệu euro nhưng kỳ thực Real đã phải rất vất vả để có được tuyển thủ quốc gia Bồ Đào Nha. Trong suốt quá trình theo đuổi Coentrao, Real đã vấp phải những khó khăn từ sự kiên quyết của Benfica cũng như sự can thiệp của Chelsea. Kể từ khi nắm quyền tại Stamford Bridge, tân HLV Villas-Boas đã xúc tiến thương vụ Coentrao với Benfica. Với túi tiền không đáy của Abramovich, Chelsea sẵn sàng chồng lên bàn đàm phán 30 triệu euro. Cùng thời điểm đó, Real vẫn còn “kỳ kèo bớt một thêm hai”.
Coentrao bỏ tập đòi đến Real
Về mặt kinh tế mà nói, Benfica đương nhiên muốn bán Coentrao cho những đội bóng chịu chơi cỡ Chelsea để đổi lấy một số tiền lớn chứ không phải thanh toán theo kiểu “lằng nhằng” như với Real Madrid (để có Coentrao, đội bóng hoàng gia trả cho Benfica 20 triệu euro tiền mặt và 10 triệu còn lại được “các” bằng trung vệ Garay). Nhưng Benfica không thể làm việc trên bàn đàm phán với Chelsea vì tuyên bố mạnh mẽ của ngôi sao 23 tuổi: Tôi chỉ muốn đến Bernabeu. Thái độ cương quyết của Coentrao được thể hiện qua việc anh lên nói thẳng với ban lãnh đạo về yêu sách của mình rồi sau đó bỏ tập và không thèm đến địa điểm tập huấn của Benfica trong mùa giải mới tại Thụy Sĩ. Trước sự cứng rắn ấy, Benfica buộc lòng phải đồng ý cho Coentrao tới Madrid.
Wenger khó có thể níu kéo Fabregas
Vụ Coentrao một lần nữa cho thấy quyền lực của các cầu thủ ngày một lớn dần. Cứ mỗi mùa chuyển nhượng qua đi người ta lại thấy các ngôi sao làm mình làm mẩy với hai mục đích chính: Thứ nhất là để chuyển tới đội bóng mình muốn và thứ hai là nếu ở lại thì sẽ được tăng lương. Coentrao chỉ là một ví dụ đầu tiên chứ không phải duy nhất. Hè 2008, Cristiano Ronaldo cũng gây rùm beng khi tuyên bố muốn tới Real. Khi ấy Sir Alex Ferguson phải lặn lội tới tận nhà riêng của tiền vệ người Bồ Đào Nha hòng thuyết phục anh ở lại Old Trafford. Ronaldo đồng ý nhưng chỉ vẻn vẹn 1 năm sau, anh đã thuộc biên chế Real. Tình trạng tương tự đang xảy ra với Cesc Fabregas, người năm ngoái đã đồng ý ở lại Emirates thêm 1 năm sau khi được HLV Wenger ra sức thuyết phục. Năm nay, rất có thể “Giáo sư” sẽ thất bại bởi trong tuyên bố mới nhất, Cesc đã nói thẳng là sẽ không chơi cho Arsenal nữa, mà chỉ muốn đến Nou Camp càng nhanh càng tốt.
Tevez lại vòi tiền?
Thật khó tin là một cầu thủ vẫn còn 4 năm hợp đồng như Fabregas lại ngang nhiên đưa ra những tuyên bố “ngoảnh mặt” với đội bóng chủ quản của mình. Đứng từ phía Arsenal mà nói, đó là sự phản bội và thiếu tôn trọng. Nó cũng giống như chuyện Carlos Tevez, vốn còn hợp đồng 5 năm, khẳng định sẽ rời Man City thông qua một cuộc phỏng vấn tại quê nhà Argentina. Nhưng không như Fabregas, Tevez bị nghi ngờ nhiều hơn bởi anh chưa có một bến đỗ cụ thể nào. Nếu như Cesc yêu Barca đến “phát điên” thì Tevez cùng với người đại diện láu cá Kia Joorabchian, luôn nổi tiếng là sẵn sàng đưa ra mọi phát ngôn chỉ để có thêm nhiều tiền hơn. Năm ngoái, Tevez cũng từng tuyên bố “nhớ gia đình”, thậm chí bóng gió nói tới chuyện giải nghệ. Nhưng tới khi Man City chìa ra một bản hợp đồng mới với mức đãi ngộ hậu hĩnh, Tevez gật đầu đồng ý và tiếp tục thi đấu.
Chuyện Tevez cũng giống như chuyện Rooney. Đầu mùa giải trước, dù MU vẫn đang ở giai đoạn hưng thịnh, tiền đạo người Anh vẫn tuyên bố: “Tôi muốn ra đi vì nhận thấy MU không tăng cường lực lượng để cụ thể hóa tham vọng”. Tuy nhiên, đến khi ban lãnh đạo Quỷ đỏ đề nghị một mức lương cao nhất trong lịch sử đội bóng (250.000 bảng/tuần), Rooney đã ký hợp đồng mới. Đó là minh chứng cho thấy những ngôi sao đang nắm trong tay cây quyền trượng có sức mạnh ghê gớm khiến ban lãnh đạo các đội bóng không thể không chiều theo ý họ.