Hiệu quả trong phòng kín
Để có được quyền tổ chức Super League, VPF đã cầm tiền chạy thẳng một mạch mà dường như không bắt gặp bất cứ một sự khó khăn nào. Thứ dầu máy bôi trơn được tính bằng các con số khiến VFF đã phải nhường lại sân chơi lớn nhất cho VPF...
Lực lượng an ninh tăng cường để bảo vệ đội bóng Thanh Hóa sau trận gặp FC Sài Gòn.
Các CLB vốn trước nay có mối quan hệ cha - con với VFF đồng loạt ngả về VPF cũng với những lời hứa hẹn về tiền: Không phải đóng tiền lệ phí, được chia lãi và sâu xa hơn nữa là những khoản lợi nhuận khổng lồ về bản quyền truyền hình...
Tiền là vũ khí, là động cơ, là mục đích của VPF khi thành lập để làm bóng đá, đó là điều rõ ràng nhưng chỉ thế thì nền bóng đá Việt Nam không thể lấy đó làm mừng. Ngay mùa giải đầu, với sự hãnh tiến của kẻ chiến thắng, VPF đã phủi sạch mọi cách vận hành, tổ chức của VFF vốn đã có kinh nghiệm điều hành giải bóng đá vài chục năm.
Bạo lực sân cỏ gia tăng đột biến, khán giả đã quay lưng lại với một giải đấu mà họ đặt đầy niềm hy vọng trong năm qua.
Bất lực trước triệu người hâm mộ
Những cú kungfu kinh người trên khắp các sân cỏ, những trận mưa chai lọ, gạch đá trên SVĐ Thống Nhất - trước nay vẫn nổi tiếng là “hiền”... Những hình ảnh bạo lực sẽ còn tiếp diễn liên tục vì sự non nớt và không cầu thị của VPF trong cách tổ chức giải đấu.
Samson (Hà Nội T & T) sau cú kungfu trên sân Vinh đã nói với chúng tôi: “Cả trận, anh Hoàng đánh em rất nhiều. Em không phải là trọng tài, nhưng nếu theo luật bóng đá thì anh Hoàng đáng bị phạt tới 5 thẻ”...
Sau trận đấu “kinh điển” ấy, Huy Hoàng cùng Samson chỉ bị treo giò 2 trận, trọng tài Vũ Bảo Linh vô can. Tình trạng bạo lực nghiêm trọng diễn ra suốt mấy vòng đấu vừa qua của Super League và Cúp Quốc gia nhưng đây là án phạt nặng nhất.
Hôm qua (2.2), Ban Kỷ luật đã ra quyết định kỷ luật liên quan tới vụ loạn đả trong và ngoài trận tứ kết Cúp QG 2012 giữa Sài Gòn FC -Thanh Hóa trên SVĐ Thống Nhất chiều 29.1. Theo đó, BTC trận đấu của CLB Sài Gòn FC bị phạt 50 triệu đồng. Trận tiếp theo của Sài Gòn FC phải thi đấu trên sân nhà không có khán giả. Cầu thủ Bật Hiếu (Thanh Hóa) bị phạt 10 triệu đồng, đình chỉ thi đấu 2 trận kế tiếp tại Cúp QG vì có thái độ, lời lẽ, cử chỉ thiếu văn hóa. Chính Minh |
Điều khiến nhiều người quan tâm là Ban Kỷ luật trực thuộc VFF nhưng hồ sơ các vụ việc xảy ra trên sân cỏ ở các giải đấu lại do Ban Tổ chức (ở đây là VPF) tập hợp và trình lên, vậy có chăng việc VPF - với những người lãnh đạo là các ông bầu, lại tự làm nhẹ mức độ các vụ việc để qua đó đội bóng của họ chỉ bị xử lý kỷ luật với mức nhẹ nhàng?
Bất lực với bạo lực trên sân cỏ, VPF lại càng bất lực với bạo lực ngoài sân cỏ. Đang được sở hữu phần tháp cao nhất của nền bóng đá Việt Nam vốn được Nhà nước và nhân dân xây dựng trong nhiều năm, những thành viên VPF đã mạnh dạn “gạt” các thành phần được coi là “không liên quan đến bóng đá” ra khỏi Ban Tổ chức. Chỉ đến khi xảy ra những vụ bạo lực như trên sân Thống Nhất vừa rồi mới “bịt tai không kịp”.
Hôm qua, ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF đã thể hiện sự lo âu: “Khi VFF điều hành, chúng tôi mời rất nhiều các cơ quan liên qua như thanh tra Bộ, cơ quan an ninh, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương… cùng phối hợp làm việc. Khi xảy ra sự cố, việc điều hành sẽ nhanh hơn. Hiện nay, VPF điều hành giải một mình. Đây là điều đáng lo ngại”.