Đại hội nhiệm kỳ IV của VFV từng bị trì hoãn đến gần 2 năm do công tác nhân sự gặp quá nhiều vấn đề và mãi đến cuối năm 2015, mọi việc mới dần ổn thỏa. Người đứng đầu Công ty Động Lực, ông Lê Văn Thành, được bầu vào chức vụ chủ tịch còn vai trò tổng thư ký được tín nhiệm giao cho ông Lê Trí Trường.
Từng là một trọng tài quốc tế giàu kinh nghiệm, có học vị tiến sĩ và được giới chuyên môn đánh giá cao, ông Trường ở cương vị mới đã có nhiều ý tưởng đổi mới bóng chuyền Việt Nam. Việc xây dựng VFV theo mô hình chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng chiến lược phát triển căn cơ bao gồm cải tổ hệ thống thi đấu các giải chuyên nghiệp, chăm lo cải thiện chất lượng các đội tuyển quốc gia…, dù vậy, lại không nhận được sự ủng hộ từ ban chấp hành VFV. Không chỉ thế, nhiều nguồn giấu mặt còn tìm cách phá, tạo hiện tượng bè phái, xúi giục gây chia rẽ khiến hai đội tuyển nam, nữ sa sút thành tích nghiêm trọng tại SEA Games 29.
Dù thường vụ ban chấp hành chưa nhóm họp để thống nhất ý kiến nhưng mới đây, VFV đã gửi văn bản đến các ủy viên ban chấp hành về việc "trả" ông Trường về Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, đơn vị chủ quản của ông sau gần 3 năm được biệt phái sang làm việc ở VFV. Văn bản được đích thân chủ tịch VFV Lê Văn Thành ký, nhấn mạnh "đây là nguyện vọng của chính ông Trường và có lời đề nghị từ Đại học TDTT Bắc Ninh", chưa kể phù hợp với nội dung chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc các đơn vị trực thuộc phải dừng việc biệt phái cán bộ làm việc tại các tổ chức xã hội.
Tổng Thư ký VFV Lê Trí Trường (giữa) và Chủ tịch VFV Lê Văn Thành (trái) Ảnh: Đông Linh
Phần nội dung công văn như trên là bình thường nhưng đoạn sau của văn bản mới… bất thường! Nhanh nhảu đề xuất thực hiện việc "trả" tổng thư ký về đơn vị chủ quản nhưng lãnh đạo VFV lại đề nghị giới thiệu bổ sung ông Đào Xuân Chung, một cán bộ của Tổng cục TDTT (Trưởng Bộ môn Bóng chuyền) vào ban chấp hành nhiệm kỳ IV đồng thời giữ luôn chức vụ phó tổng thư ký VFV!
Không riêng ông Chung, có cán bộ công chức cũng đang tham gia bộ máy điều hành VFV, đơn cử như phó chủ tịch Trần Đức Phấn. Sao VFV không dám mạnh dạn "trả" vị này về Tổng cục TDTT, nơi ông đang giữ cương vị phó tổng cục trưởng?
Một năm nữa, Đại hội nhiệm kỳ V của VFV sẽ được tiến hành và rất dễ để nhận ra sự việc của ông Lê Chí Trường như một động thái "kỷ luật nội bộ", tạo cơ hội cho việc thâu tóm quyền lực, tiếp tục chi phối và điều hành một cách thiếu đúng đắn các hoạt động của bóng chuyền Việt Nam. Việc đội tuyển bóng chuyền nữ từng 7 lần liên tiếp dự trận chung kết SEA Games, vào đến bán kết giải vô địch châu Á nhưng chỉ được cử tham dự ASIAD 18 bằng nguồn kinh phí… tự túc có lẽ chính là động thái khó ngờ mà bộ máy điều hành của VFV dành cho tập thể này cũng như người hâm mộ!