Gia nhập Juventus từ Leeds Utd năm 1957 với khoản phí kỷ lục thời bấy giờ - 65.000 bảng - và sau hơn nửa thế kỷ, John Charles vẫn được xem như một trong những huyền thoại của “Lão bà”. Trong 5 năm khoác trên mình sắc sáo sọc trắng đen và đối mặt với những hậu vệ rắn nhất thế giới tại Serie A, trung phong cắm đô con người xứ Wales này vẫn ghi được 93 bàn thắng trong 155 trận, giúp CLB thành Torino đoạt 3 scudetto và 2 Cup Italy. Năm 1997, John Charles thậm chí còn được các tifosi bầu làm Cầu thủ ngoại hay nhất lịch sử của Juventus, vượt qua những tên tuổi tầm cỡ Platini, Zidane hay Boniek. |
Một năm sau khi gây ấn tượng trong màu áo tuyển Anh vào đến bán kết World Cup 1990 trên đất Italy, David Platt được Bari rước về từ Aston Villa với giá 5,5 triệu bảng. Dù không cứu được Bari khỏi thảm cảnh xuống hạng, tài năng của tiền vệ đến từ xứ sương mù vẫn được thừa nhận. Và đó là lý do khiến Juventus phải chi 6,5 triệu bảng để tậu anh. Dù chỉ chơi cho “Lão bà” một mùa, Platt vẫn bổ sung vào bản lý lịch chiếc Cup UEFA 1993, trước khi đến Sampdoria, nơi anh được làm việc cùng HLV Sven Eriksson. Platt khoác áo CLB thành phố cảng Genova 2 mùa và đoạt Cup Italy 1994. Tổng cộng, trong 100 trận thi đấu tại Serie A, Platt đã ghi được 31 bàn. |
Chia tay Liverpool sau 6 năm vinh quang, Graeme Souness chọn Sampdoria làm bến đỗ tiếp theo và tiếp tục thành công. Môi trường Serie A tưởng chừng khắc nghiệt hóa ra lại rất phù hợp với mẫu tiền vệ trung tâm máu lửa và không khoan nhượng như danh thủ Scotland. Các tifosi của Sampdoria rất ngưỡng mộ Souness và ông cũng đáp lại tình cảm ấy bằng cách giúp CLB đoạt Cup Italy đầu tiên trong lịch sử, sau khi đánh bại Milan 3-1 ở trận chung kết. Trong 56 trận chơi tại Serie A, Souness cũng ghi được 8 bàn, trước khi hồi hương làm cầu thủ kiêm HLV trưởng CLB Rangers năm 1986. |
Bị HLV Ferguson tống cổ khỏi MU năm 1995, nhưng sự nghiệp của Paul Ince không đi vào ngõ cụt. Anh đầu quân cho Inter và trở thành một trong những ngoại binh được mến mộ nhất ở CLB này. Trong mùa đầu tiên chơi bóng tại Italy, dù Inter thất bại trong cuộc đua scudetto, tài năng và nỗ lực của Ince vẫn được ghi nhận. Đến mùa tiếp theo, anh lại chói sáng, đưa Inter đến chung kết Cup UEFA. Tuy nhiên, do muốn con trai được học tiếng Anh, Ince quyết định hồi hương khoác áo Liverpool năm 1997, bất chấp Inter nài nỉ anh ở lại bằng một bản hợp đồng dài hạn. |
Không giành được chỗ đứng tại Man City, chân sút từng lập kỷ lục về giá trị chuyển nhượng khi chuyển từ Birmingham sang Nottingham Forrest với giá 1 triệu bảng năm 1979 đành phiêu bạt sang Italy, khoác áo Sampdoria. Tại đấy, Trevor Francis lấy lại phần nào phong độ, ghi 17 bàn trong 68 trận Serie A, và cùng Souness trở thành trụ cột của CLB thành Genova đoạt Cup Italy đầu tiên trong lịch sử năm 1985. Sau 3 năm phụng sự Sampdoria, ông đầu quân cho Atalanta năm 1985. Dù không thành công với CLB Italy thứ hai - chỉ ghi 1 bàn trong 2 mùa, Francis vẫn được Fabio Capello, người về sau là HLV trưởng tuyển Anh, ngợi khen là “Cầu thủ Anh hay nhất từng chơi tại Serie A”. |
Khác với 5 trường hợp thành công ở trên, Serie A đã trở thành một cơn ác mộng thực sự với nhiều cầu thủ Anh khác, mà rõ nhất trong số này là Des Walker. Phong độ ấn tượng tại World Cup 1990 là lý do khiến trung vệ của Nottingham Forrest được Sven Eriksson tuyển về Sampdoria với giá 1,5 triệu bảng hè năm 1992. Tuy nhiên, ngay trận ra mắt gặp Lazio, Walker đã làm hỏng danh tiếng của anh khi mắc lỗi nghiêm trọng, để chân sút “Beppe” Signori ghi 2 bàn, giúp CLB thủ đô cầm hòa Sampdoria 3-3. Mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn với trung vệ này khi ông bị đẩy ra đá hậu vệ phải. Quá thất vọng vì phong độ kém cỏi của Walker, Sampdoria đã tống cổ ông về lại Anh cho Sheffield Wednesday ngay cuối màu giải 1992-1993. |
Hơn 100 bàn thắng cho Watford và cú hattrick trong trận ra mắt ở tuyển Anh là tấm "hộ chiếu", đưa Luther Blissett đến Milan với giá 1 triệu bảng năm 1983. Nhưng chỉ sau một năm, với 30 trận và vẻn vẹn 5 bàn tại Serie A, Milan đã phải chịu thiệt nửa triệu, đẩy tiền đạo được các tifosi gán cho biệt danh “Luther hỏng ăn” về lại Watford. Khả năng thích nghi kém trong môi trường bóng đá nặng về phòng ngự được xem là lý do khiến Blissett chôn vùi tên tuổi của ông ở Milan. |
Như nhiều đồng đội khác, phong độ ấn tượng tại World Cup 1990 giúp Paul Gascoigne - được xem như thiên tài của bóng đá Anh - kiếm được bản hợp đồng béo bở từ Tottenham sang Lazio. Nhưng rồi những chấn thương nghiêm trọng ở gò má và đầu gối khiến cựu thần đồng Tottenham không thể hiện được tài năng và chỉ còn là cái bóng mờ của chính anh tại CLB thủ đô Italy. Trong 3 năm khoác áo Lazio, Gascoigne chỉ ra sân 47 trận và ghi 6 bàn. |
Trước khi trở thành tượng đài của MU, Denis Law từng có một kỷ niệm đáng quên ở Italy, nơi ông đầu quân cho Torino với giá 110.000 bảng năm 1961, từ … Man City. Bất đồng với CLB Italy xoay quanh chuyện Law trở về làm nghĩa vụ ở ĐTQG Scotland khiến ông dần chán nản và đề nghị được ra đi sau ít tháng. Bị từ chối và ghẻ lạnh, Law chọn cách đình công kiểu “Chí Phèo” - bỏ về nhà ở Aberdeen, buộc Torino phải bán anh cho MU của HLV huyền thoại Matt Busby với giá kỷ lục Anh thời điểm ấy - 115.000 bảng. |
Ghi 12 bàn trong 29 trận tại Serie A ngay trong mùa giải đầu tiên là con số không đến nỗi nào. Nhưng với Ian Rush - sát thủ số một của Liverpool trước khi sang Italy, cuộc sống tại Juventus chưa bao giờ làm ông hạnh phúc. Sự khác biệt về môi trường sống, ngôn ngữ và lối đá rắn khủng khiếp của các hậu vệ ở Serie A khiến Rush không tái hiện được bản năng săn bàn. Kết quả là chỉ sau một năm, ông quyết định hồi hương, tái hợp Liverpool trong sự chào đón của các fan đội bóng cũ. |