Nhâm Mạnh Dũng bật cao đánh đầu vào lưới Malaysia...
Sinh ngày 12/4/2000, Mạnh Dũng sớm chứng tỏ tài năng và đam mê bóng đá. Theo mẹ của anh - bà Vũ Thị Thương, từ khi 3-4 tuổi, con trai đã yêu bóng đá cuồng nhiệt. "Đi học mẫu giáo, Dũng cũng ôm theo trái bóng nhựa, thiếu quả bóng là nhất định không chịu đến trường", bà kể. Đến khi học lớp 5, Mạnh Dũng đã được chọn vào đội bóng đá của cụm dân cư đi đá giải ở tỉnh Thái Bình. Anh sau đó chuyển từ quê nhà ở huyện Đông Hưng lên thành phố Thái Bình để ăn tập ở trường năng khiếu thể thao của tỉnh.
Nhưng bên cạnh niềm đam mê với trái bóng tròn, Mạnh Dũng còn học văn hoá rất giỏi. Ở học kỳ hai năm lớp 5, khi mới chuyển lên trường năng khiếu tỉnh, học văn hoá nửa ngày và học bóng đá nửa ngày, anh vẫn được chọn đi thi học sinh giỏi Toán cấp Thành phố và đạt giải ba. Đây cũng là lý do khiến gia đình anh thoạt đầu không đồng ý cho con trai đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Nhưng nhờ sự kiên định của bản thân và nỗ lực thuyết phục bằng nhiều cách của lãnh đạo thể thao Thái Bình, Mạnh Dũng đã được bố mẹ đồng ý.
Sau hai năm ăn tập ở đội trẻ Thái Bình, Mạnh Dũng được Viettel tuyển mộ theo hợp đồng liên kết đào tạo và từng bước khẳng định tài năng qua các lứa U17 rồi U21. Năm 2020 ghi nhận bước tiến lớn trong sự nghiệp của cầu thủ này khi được đôn lên đội một Viettel dự V-League 2020 và cùng đội vô địch sân chơi cao nhất bóng đá Việt Nam. Cùng năm, Mạnh Dũng còn được gọi lên đội U20 Việt Nam, tạo tiền đề cho việc anh vào đội U22 rồi U23 về sau.
Nhưng Mạnh Dũng không chỉ giỏi trong vai trò một tiền đạo. Trên đường cùng Viettel vô địch U21 Quốc gia 2020, anh còn đảm nhiệm cả vị trí trung vệ lệch trái trong hệ thống ba hậu vệ, và chơi tốt ngoài cả mong đợi. Dù chỉ là giải pháp tình thế, Mạnh Dũng tập song song cả hai vị trí tiền đạo - trung vệ trong gần hai năm qua. Và chuyện này diễn ra cả khi anh lên tập trung cùng đội U23. HLV Park Hang-seo từng xếp Mạnh Dũng đá trung vệ một thời gian dài. Chỉ vài ngày trước khi vào SEA Games 31, ông mới để anh trở lại đá tiền đạo sở trường vì thể hiện tốt trong một trận đá tập. "Tôi cũng bất ngờ khi thầy thông báo về vị trí thi đấu trong chiến dịch SEA Games", anh kể lại.
Theo Mạnh Dũng, xuấn thân tiền đạo cũng ít nhiều giúp ích khi anh xuống đá trung vệ, vì hiểu được cách di chuyển của tiền đạo đối phương để phán đoán về cách cản phá. Nhưng sau tất cả, Mạnh Dũng không xem đó là một hướng ưu tiên để phát triển sự nghiệp, vì vẫn đam mê với sở trường tiền đạo.
Dù muốn hay không, sự đa năng vẫn là một điểm mạnh của Mạnh Dũng, và vô tình giúp Việt Nam có thêm một giải pháp chất lượng ở vị trí trung vệ khi gặp khủng hoảng nhân sự ở trận ra quân giải U23 châu Á 2022.
Sự cố về đồ ăn khiến một loạt cầu thủ bị đau bụng không thể thi đấu trước Thái Lan ngày 2/6, và HLV Gong Oh-kuyn lập tức nghĩ đến việc sử dụng Mạnh Dũng ở hàng thủ. Niềm tin của nhà cầm quân người Hàn Quốc được đền đáp. Dù đội nhà bị thủng lưới hai bàn, anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ cùng Bùi Hoàng Việt Anh đá cặp trung vệ che chắn trước khung thành của Nguyễn Văn Toản rồi Quan Văn Chuẩn trong trận đấu mà Việt Nam hoà 2-2 sau hai lần dẫn bàn.
Đến khi các đồng đội hồi phục, anh được trả về vị trí sở trường và lập tức tạo dấu ấn. Phút 27 trận đấu Malaysia trên sân Lokomotiv tối 8/6, Mạnh Dũng chạy chỗ, đón quả tạt từ trái vào của Thanh Nhân để đánh đầu mở tỷ số, góp phần giúp Việt Nam giành chiến thắng 2-0 cùng vé vào tứ kết. Cách đây đúng hai tuần, cũng từ một pha bật cao như thế, tiền đạo người Thái Bình đã ghi bàn duy nhất vào lưới Thái Lan, giúp Việt Nam bảo vệ thành công chiếc HC vàng SEA Games 31 trên sân Mỹ Đình.
Mạnh Dũng từng đoạt ngôi Vua phá lưới giải U17 Quốc gia 2017 với tám bàn và Vua phá lưới giải U21 quốc gia 2020 với bốn bàn. Nhưng với hai bàn mới nhất ở hai trận đấu quan trọng bậc nhất của U23 Việt Nam năm nay, anh dường như đã sẵn sáng thoát khỏi "tổ kén" để trở thành ngôi sao ở những sân khấu lớn, và chứng minh cho lựa chọn đúng đắn với con đường thể thao đỉnh cao đã chọn.
Hồng Duy