Người xem phải mua đầu thu của AVG

 
Lịch thi đấu V-League 2011 có từ lâu nhưng lịch phát sóng mùa giải mới vẫn chưa được thông báo do Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) chưa bàn xong với các đối tác, trong lúc đối tác chính là VTV cũng khá hờ hững vì bản quyền V-League bây giờ không còn là món hàng rẻ tiền nữa.
 

AVG mua bản quyền khiến V-League có giá hơn trên sóng truyền hình. Ảnh: Hải Anh

 
Chưa có hạ tầng kỹ thuật phát sóng
 
Ít nhất là phải đến cuối năm 2011, công tác kỹ thuật của AVG mới hoàn tất, nghĩa là gần một năm nữa nhà đài này mới chuẩn bị xong những điều kiện tối thiểu để phát sóng. Khi đàm phán với VFF để sở hữu bản quyền V-League lên tới 20 năm, AVG có đưa ra một cam kết quan trọng: Quảng bá V-League rộng rãi, tiến tới tường thuật tất cả các trận đấu của mỗi vòng đấu. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là kể cả khi đã có hạ tầng kỹ thuật phát sóng, một mình AVG cũng khó lòng biến được cam kết trên thành sự thật. Chính ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG, thừa nhận: “Chắc chắn AVG sẽ phải phối hợp với các đối tác khác”.
 
Khi AVG hoàn tất những yếu tố kỹ thuật thì việc các trận cầu đinh của V-League sẽ do kênh của AVG sở hữu là điều đương nhiên. Chỉ đến khi đó, V-League mới có cơ hội sinh lời cho AVG. Còn mùa bóng đầu tiên, chắc chắn là AVG sẽ lỗ. Điều này có nghĩa là trong những mùa bóng sau không có chuyện V-League được “miễn phí” như một thập kỷ qua nữa. Khán giả muốn được xem giải đấu quốc nội sẽ phải mua đầu thu của AVG và tất nhiên là trả tiền thuê bao hằng tháng. “Giá sẽ rất mềm. Chúng tôi cam kết đưa ra mức giá mà tất cả mọi người đều có thể chấp nhận được, dựa trên những khảo sát về thu nhập của người hâm mộ” - ông Vũ nói.
 
VTV hờ hững với V-League
 
Sau khi VFF bán bản quyền truyền hình V-League cho AVG trong 20 năm, VTV có vẻ không còn hào hứng với V-League như trước. Bằng chứng là việc cho đến tận giờ này, các kênh của VTV (gồm cả Bóng đá TV và Thể thao TV trên hệ thống truyền hình cáp) chưa hề có kế hoạch gì về việc phát sóng V-League.
 
Ông Trịnh Long Vũ, Phó trưởng Ban Biên tập VCTV phụ trách hai kênh thể thao kể trên, cho biết: “Chúng tôi đang đàm phán với AVG. Hai phía đều tích cực nhưng mọi năm đàm phán nhanh hơn vì chúng tôi mua bản quyền của VFF, còn bây giờ phải mua lại của một đối tác hoạt động cùng lĩnh vực nên mọi thứ phải chi tiết hơn”.
 
Trong mùa bóng đầu tiên, AVG chắc chắn vẫn sẽ phải trông cậy chủ yếu vào VTV nên cái giá đưa ra cũng khá mềm. Tuy nhiên, ông Trịnh Long Vũ từ chối khẳng định việc giá bản quyền các trận đấu của V-League đã cao hơn nhiều so với trước đây. “Việc này thuộc vấn đề nhạy cảm. Tôi không cho rằng giá của V-League đắt hơn nên VCTV không hào hứng. Bây giờ sẽ có nhiều nhà đài mua lại bản quyền của AVG, V-League cũng sẽ được phát trên nhiều kênh hơn nên chắc chắn sẽ có nhiều trận đấu hơn được phát sóng” - ông Trịnh Long Vũ nói.
 
Hệ thống truyền hình trả tiền của VTV không quá âu lo vì họ có nguồn thu; trong khi đó, các kênh quảng bá của VTV, đặc biệt là VTV3, đơn vị “chủ xị” đối với lĩnh vực truyền hình thể thao, lại đang khá rụt rè. Ông Phan Ngọc Tiến, Phó trưởng Ban Thể thao - Giải trí và Thông tin kinh tế, cho biết: “Năm nay, kế hoạch phát sóng V-League do Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd) của đài trực tiếp đàm phán với AVG nên chúng tôi chưa có trong tay danh sách các trận được tường thuật”.
 
Một nhà đài khác là VTC cũng cho hay: “Chưa có kế hoạch cụ thể phát sóng V-League”. V-League đang trở nên đắt hơn nên việc nó đến với người hâm mộ khó khăn hơn có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Mạnh Duy

Giày Đại Phát solution
Số người online:
28677
Số người truy cập:
8740980