Tất cả đều đánh giá tấm HCB ở môn điền kinh ASIAD là một mốc son đáng tự hào của điền kinh VN nói riêng và thể thao VN nói chung.
Chuyên phá kỷ lục của chính mình
Trương Thanh Hằng đã thống trị đường chạy 1.500 m ở khu vực Đông Nam Á trong ba kỳ SEA Games gần đây. Năm 2007, Hằng phá kỷ lục SEA Games với thành tích 4 phút 11 giây 60.
Trong làng điền kinh VN, Hằng là người có “thói quen” phá kỷ lục của mình nhưng không ai nghĩ chiều qua trên sân Aoti ở Quảng Châu, Hằng lại giành HCB ngoạn mục đến thế.
Trong suốt năm 2010, Hằng không đạt phong độ cao và chỉ đạt thành tích 4 phút 19 giây 48. Điều này làm chính một số chuyên gia điền kinh của VN không đánh giá cao khả năng giành huy chương của Hằng ở ASIAD năm nay.
Ở hai vòng sân đầu tiên, Hằng vẫn chỉ duy trì tốc độ để có mặt ở tốp giữa. Nhưng đến vòng chạy cuối cùng, Thanh Hằng bất ngờ tăng tốc để nằm trong số ba VĐV dẫn đầu.
Ở 100 m cuối cùng, Hằng làm đối thủ cạnh tranh sát sao là Gebregeiorges Mimi của Bahrain và Su Qian của nước chủ nhà không kịp trở tay khi tung ra những bước chạy đầy sức mạnh.
Trương Thanh Hằng không chỉ vượt qua chính mình mà còn giành
HCB đầu tiên cho điền kinh VN ở ASIAD. Ảnh: REUTERS
VĐV của VN cán đích ở vị trí thứ hai và chỉ chịu thua Jamal Maryam. Bảng điện tử hiện thành tích 4 phút 9 giây 58 khiến tất cả thành viên của đoàn VN, đội tuyển điền kinh và các phóng viên VN có mặt trên sân Aoti vỡ òa trong sung sướng.
Thanh Hằng đã mang về cho điền kinh VN tấm HCB ở môn thể thao nữ hoàng và chính cô cũng xứng đáng là “nữ hoàng” của thể thao VN. Nhật báo Brisbane Times của Úc gọi HCB của Thanh Hằng là một “cú sốc”.
Cầu mây vào chung kết với Thái Lan
Đội tuyển cầu mây nữ VN đã giành chiến thắng 2-0 trước chủ nhà Trung Quốc tại bán kết để bước vào trận tranh HCV nội dung đội tuyển với Thái Lan chiều nay (24-11). HLV Hà Tùng Lập đánh giá: “Thái Lan là một đối thủ mạnh nhưng đây lại là nội dung sở trường của cầu mây nữ VN. Hiện tại tinh thần toàn đội rất tốt và chúng tôi đang rất quyết tâm bảo vệ tấm HCV đã giành được 4 năm trước”. Tuy nhiên, các môn khác như bóng chuyền nam, bắn cung, canoeing, cờ vây, vật... đều thi đấu không thành công vào ngày 23-11.
Sau ngày 23-11, đoàn VN xếp hạng 26 với 12 HCB, 12 HCĐ. Một bất ngờ trong ngày là đội tuyển bóng đá Olympic Hàn Quốc thua UAE 0-1 ở bán kết
M.Duy
|
Cần nhắc lại Jamal Maryam Yusuf Isa giành HCV nội dung này với thành tích nhỉnh hơn một giây so với Thanh Hằng là một VĐV Ethiopia nhập tịch Bahrain năm 2005 và VĐV đoạt
HCĐ cũng là người gốc Phi! Jamal hai lần vô địch thế giới nội dung 1.500 m năm 2007 và 2009. Tại ASIAD 15 2006, cô gái sinh năm 1984 này cũng giành hai HCV ở các nội dung 1.500 m, 800 m.
“Mát mặt” nhờ điền kinh
Một ngày sau tấm HCĐ của Vũ Thị Hương ở đường chạy 100 m, Trương Thanh Hằng đã tạo nên một bước đột phá thực sự cho thể thao VN ở sân chơi ASIAD.
“Thể thao VN đã từng giành những tấm HCV tại đấu trường ASIAD như ở các môn taekwondo, cầu mây... nhưng một tấm HCB ở môn điền kinh mang lại cho tôi cảm xúc thật đặc biệt” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic VN, ông Hoàng Vĩnh Giang, xúc động nói.
Cũng theo ông Giang, với trình độ hiện tại của thể thao VN, những tấm huy chương ở điền kinh bất kể màu gì cũng có giá trị như HCV. Trưởng đoàn Lê Quý Phượng cũng phấn chấn: “Huy chương nào cũng quý nhưng đây thực sự là tấm huy chương khiến tôi vui nhất từ đầu ASIAD 16 đến giờ”.
Đoàn VN đã “hụt hơi” so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia khi bạn đều đã có nhiều HCV, còn ta vẫn trên đường chinh phục HCV đầu tiên.
Tuy nhiên, nếu đánh giá các môn Olympic như điền kinh, bơi lội... thể hiện chiều sâu của một nền thể thao thì VN có thể tự hào vì thành tích vừa có, bên cạnh đội tiếp sức 4 x 100 m nữ lọt vào đợt chạy chung kết. Hiện chưa có quốc gia Đông Nam Á nào giành được huy chương ở điền kinh trong khi VN đã có một HCB, một HCĐ.
Thêm bất ngờ ở cự ly 800 m?
HLV Hồ Thị Từ Tâm, người theo rất sát quá trình tiến bộ của Thanh Hằng trong 2 năm trở lại đây, nhận định: “Thực ra, trong tập luyện Thanh Hằng đã đạt được thành tích như vậy rồi. Bây giờ tôi rất hy vọng ở nội dung 800 m bởi đây mới là nội dung sở trường của Thanh Hằng”.
Năm 2007, Hằng từng vô địch châu Á ở Jordan nội dung 800 m với thành tích 2 phút 4 giây 77.
Hiện tại thành tích tốt nhất của Thanh Hằng là 2 phút 2 giây 39. Đối thủ lớn nhất của chuyên gia tốc độ VN vẫn sẽ là nhà vô địch Jamal Maryam Yusuf Isa khi thành tích của VĐV này chỉ là 1 phút 57 giây 80.
Sau khi giành kết quả mỹ mãn ở nội dung 1.500 m, Thanh Hằng cho biết: “Thực ra tôi kỳ vọng ở nội dung 800 m nhiều hơn.
Hôm nay với thành tích mỹ mãn ở nội dung không phải sở trường này, tôi càng có thêm động lực để tạo ra một bất ngờ nữa”.
Trương Thanh Hằng sẽ được thưởng nóng 300 USD từ quỹ của đoàn thể thao VN.
Cộng với tiền thưởng mới của Liên đoàn Điền kinh là 30 triệu đồng cho HCB, Thanh Hằng còn nhận được mức thưởng 30 triệu đồng cho HCB châu lục, phần thưởng của nhà tài trợ...
T.Vũ
|