Đội bóng Hòa Phát (xanh) sẽ không còn tồn tại. Ảnh: K.N. |
Đội Hòa Phát Hà Nội xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam năm 2003. Thời điểm đó, Hàng không Việt Nam và LG.ACB sát nhập lấy tên là LG Hà Nội ACB, đá ở V-League. Các cầu thủ còn lại của hai đội này gộp thành Hòa Phát Hà Nội đá ở hạng Nhất.
Hòa Phát Hà Nội, theo tính toán, suốt 8 năm tồn tại, đã chi khoảng 40 tỷ đồng một năm nhưng không thành công. Ở V-League, đội này hầu như chỉ lo chuyện trụ hạng. Thành tích đáng kể nhất của Hòa Phát là chiếc Cup Quốc gia năm 2006.
V-League 2008, Hòa Phát bị đánh bật xuống hạng Nhất. Chỉ mất một năm chơi ở hạng này, Hòa Phát dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thành Vinh đã giành quyền trở lại V-League 2010.
V-League 2011, Hòa Phát chật vật với mục tiêu trụ hạng. Có hạn chế về chuyên môn nhưng theo Ban lãnh đạo Hòa Phát, việc họ bị trọng tài thổi ép là nguyên nhân không nhỏ khiến đội này đì đẹt. Theo thống kê của Hòa Phát, 75% các trận đấu trên sân khách, họ phải nhận thẻ đỏ, trong đó có những chiếc thẻ không đáng có. HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng, Hòa Phát bị “ghét”, vì thế là một trong những đội nhận nhiều thẻ phạt nhất.
Mâu thuẫn của mối quan hệ giữa Hòa Phát với giới trọng tài, BTC và Liên đoàn bóng đá Việt Nam lên tới đỉnh điểm ở vòng 23 V-League 2011, trong chuyến làm khách tại sân Lạch Tray của Hải Phòng. Trận đó, Hòa Phát thua 1-2 và theo HLV Nguyễn Thành Vinh, trọng tài Nguyễn Công Trọng đã thiên vị Hải Phòng một cách trắng trợn. Trắng tay ở trận này, Hòa Phát chìm xuống cuối BXH, rộng cửa trở lại hạng Nhất. Hòa Phát sau đó tuyên bố sẽ bỏ V-League. HLV Nguyễn Thành Vinh thậm chí còn hỏi thẳng Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi rằng, phải chăng đang có âm mưu quy hoạch Hòa Phát xuống hạng.
Cuộc gặp sau đó với BTC đã xoa dịu cơn giận của Hòa Phát. Ông Vinh cũng không ngần ngại nói thẳng, trọng tài là mafia đang thao túng bóng đá Việt Nam. Tay còi Trần Công Trọng sau đó bị VFF loại khỏi đời sống bóng đá năm 2012 – quyết định mà ông Vinh cho rằng, đã chứng minh một cách rõ ràng nhận xét của mình. Thầy trò ông Vinh cuối cùng đã trụ hạng nhờ trận thắng kịch tích 3-2 trên sân của Đồng Tâm Long An và đè bẹp Khánh Hòa ở vòng đấu cuối.
Trước khi trụ hạng ngoạn mục vào phút cuối, Hòa Phát giới thiệu cơ sở vật chất của đội được đánh giá là khang trang, hiện đại và chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam trên diện tích 8ha ở Mỹ Đình. Đội này sau nhiều năm đã có được hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ bài bản với các lứa U13, U15, U21.
Bất kể những tín hiệu về thứ bóng đá căn bản, dài lâu ấy, ngay sau khi trụ hạng, Hòa Phát tuyên bố bỏ bóng đá. “Có rất nhiều nguyên nhân nhưng giờ không phải là lúc lục lọi hay bới móc. Rất buồn bởi Hòa Phát đã có 8 năm làm bóng đá, rất nhiều tình cảm, kỷ niệm. Nhưng giờ chúng tôi quyết định nghỉ vì không còn thấy phù hợp nữa. Nói thế cho ngắn gọn. Chúng tôi hoàn toàn thanh thản, cảm thấy nhẹ nhàng khi đưa ra quyết định này”. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Chủ tịch CLB Hòa Phát Hà Nội nói.
Câu chuyện của Hòa Phát là chủ đề đang rất được làng bóng Việt Nam quan tâm. Có ý kiến cho rằng, Hòa Phát nghỉ bóng đá vì ức chế và thất vọng với sự yếu kém của VFF trong cách điều hành các giải đấu. Số khác cho rằng, Hòa Phát đã đạt được mục tiêu là đánh bóng tên tuổi. 8 năm trước, ít ai biết tiếng Hòa Phát, nhưng giờ, cái tên này đã thành thương hiệu lớn. Cũng có vài người đặt vấn đề, Hòa Phát đã “oải” bởi kinh phí đầu tư cho bóng đá quá lớn trong khi lợi nhuận cụ thể là con số không.
Câu chuyện của Hòa Phát còn nhận được những câu hỏi. Về khu đất 8ha tại Mỹ Đình mà đội bóng này đang sở hữu. Nếu bỏ bóng đá, Hòa Phát còn được sở hữu khu đất đó không hay chuyển giao tất cả cho Hà Nội ACB?
Trước Hòa Phát, đã từng có nhiều doanh nghiệp lớn Tôn Hoa Sen, Ngân hàng Đông Á, Mitsustar, Sông Đà… bỏ bóng đá sau quãng thời gian ngắn gắn tên. Trước Hòa Phát Hà Nội, từng có Thể Công, Cảng Sài Gòn, Ngân hàng Đông Á, Quân khu 4 biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Các chuyên gia bóng đá đặt vấn đề, liệu câu chuyện của Hòa Phát và trước đó là hàng loạt doanh nghiệp, hàng loạt đội bóng, có phải là tín hiệu cho thấy, V-League đang sống bằng những giá trị ảo, có tính thời vụ? Và mai đây, sẽ còn bao nhiêu Hòa Phát, Thể Công, QK4 nữa…
Khoa Nguyễn