Tiến sĩ luật Vũ Hồng Anh (ĐBQH Hà Nội):
Khách hàng có quyền kiện VCTV
Tôi được biết K+ là doanh nghiệp có thu, do VTV góp 51% vốn. Tức là K+ cũng đang sử dụng nguồn vốn Nhà nước được lấy từ tiền thuế của dân cho hoạt động kinh doanh của chính mình. Với những doanh nghiệp bình thường thì không sao nhưng đây là lĩnh vực truyền hình, lại thuộc sở hữu Nhà nước thì phải đặt mục đích phục vụ đông đảo người dân lên hàng đầu. Tôi là người mê bóng đá, nhất là Giải Ngoại hạng Anh nên tôi sử dụng dịch vụ của VCTV, nhưng từ mùa giải này họ không còn phát sóng đầy đủ giải như trước.
Trong câu chuyện độc quyền của K+, rồi VCTV góp vốn vào K+ bằng khách hàng, tôi cảm thấy cách hành xử của VCTV lẫn K+ đều có những điểm không ổn. Đó là chưa nói đến việc VCTV góp vốn với K+ bằng khách hàng là không phù hợp với tinh thần của Luật Dân sự. VCTV làm việc này mà khách hàng hoàn toàn không biết và bị động thì người sử dụng dịch vụ có quyền kiện họ.
Đến vòng 9 nhưng người hâm mộ bóng đá Anh vẫn chưa được xem những trận đấu ngày chủ nhật, như chiến thắng 3-0 của Arsenal trên sân Manchester City đêm 24-10. Ảnh: REUTERS
Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai):
Trách nhiệm VTV ở đâu?
Tôi có theo dõi khá kỹ vụ việc K+ độc quyền trước đây và vụ việc VCTV bán khách cho K+ như một hình thức góp vốn gần đây. Tôi nghĩ người trong cuộc và cơ quan quản lý đều khẳng định rằng họ không làm sai luật nhưng vấn đề cần đặt ra ở đây là trách nhiệm xã hội của đài truyền hình. Các đơn vị trên đang nghĩ quá nhiều tới vấn đề kinh tế và lợi nhuận, trong khi một trong những chức năng quan trọng của họ đã giúp đông đảo người dân thỏa mãn nhu cầu xem truyền hình, một nhu cầu tinh thần.
Tôi cũng như rất nhiều người không thể không bức xúc vì việc độc quyền, sau đó lại bị “bán” như vậy. Tại sao chúng ta có nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình như thế nhưng món ăn tinh thần ngày càng trở nên đắt đỏ hơn và khó khăn hơn để tiếp cận với dịch vụ. Lẽ ra việc liên doanh liên kết phải giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân được hưởng các lợi ích của dịch vụ, đằng này việc độc quyền gây ra thiệt hại cho người dân. Tôi nghĩ trong câu chuyện này nếu muốn tìm ra lời giải thích đáng chỉ có cách hỏi ông tổng giám đốc VTV và trách nhiệm của VTV khi góp vốn thành lập doanh nghiệp con.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH tỉnh lạng sơn):
Không thể chấp nhận
Tôi đã từng nói việc VCTV chuyển thuê bao sang cho K+ như một hình thức góp vốn, chẳng khác nào hành động bán khách của xe đò. Hành khách phải chuyển sang một xe mới nhưng lại phải trả tiền nhiều hơn là điều vô lý. Dĩ nhiên, dần dần chúng ta cũng phải quen với việc xem truyền hình phải trả tiền và truyền hình theo nhu cầu nhưng mọi thứ phải minh bạch. Nếu khách hàng đồng ý mới được chuyển, còn nếu không, phải bồi thường cho khách hàng. Tôi nghĩ trong trường hợp này người tiêu dùng có thể khiếu nại và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần có tiếng nói, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Trong nền kinh tế thị trường, bất kỳ ở nước nào cũng phải chống độc quyền. Việc K+ chiếm lĩnh Giải Ngoại hạng Anh ngày chủ nhật trên mọi hạ tầng phát sóng là không hợp lý. Cơ quan Nhà nước mà ở đây cụ thể là Bộ Thông tin - Truyền thông phải có tiếng nói trong vấn đề độc quyền này. Ở một số lĩnh vực, cơ quan quản lý Nhà nước còn được can thiệp vào giá.