Tròn 10 năm trước, Djokovic và Rafael Nadal chơi trận chung kết dài nhất lịch sử Grand Slam, khi hai tay vợt quần thảo suốt 5 tiếng 53 phút ở Australia Mở rộng. Trận đấu kéo dài tới 1h37 sáng ở Melbourne, với chiến thắng 5-7 6-4 6-2 6-7(5) 7-5 cho tay vợt Serbia. Anh thua game giao trước ở set quyết định, nhưng lội ngược dòng để thắng 7-5.
Djokovic (phải) và Nadal cũng gục xuống và thở dốc trong lễ trao giải sau chung kết Australia Mở rộng 2012. Ảnh: SI
Đây không phải lần duy nhất Djokovic bộc lộ tinh thần chiến đấu quật khởi ở những thời khắc quan trọng. Có tới tám trong 20 chiến thắng của Djokovic ở chung kết Grand Slam, anh bị dẫn ít nhất một set. Và bây giờ, sau 10 năm, tay vợt số một thế giới lại tiếp tục phải chiến đấu ở Melbourne. Lần này, anh sẽ chiến đấu để được góp mặt tại giải, dù lần thứ hai bị huỷ visa. Chỉ có điều, lần này anh không cầm vợt, mà giao trọng trách cho các luật sư.
Nick Wood là luật sư đại diện cho Djokovic ở cuộc kháng cáo quyết định của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke. Phía sau Wood là đội ngũ luật sư lành nghề và nhiều kinh nghiệm của hãng luật Hall & Wilcox. Trang chủ của hãng này, dòng chữ xuất hiện đầu tiên là: "Hall & Wilcox là hãng luật kinh doanh hàng đầu của Australia".
Giới luật sư thường có câu tôn chỉ cho khách hàng rằng: "Bạn vô tội cho đến khi bị toà tuyên án". Và Djokovic bộc lộ dấu hiệu anh sẽ chiến đấu đến cùng để được tiếp tục bước lên mặt sân cứng quen thuộc ở Melbourne. Chỉ 30 phút sau khi thân chủ bị ông Hawke tước visa chiều 14/1, Wood và cộng sự đã gửi hồ sơ kháng cáo. Và chưa đến hai tiếng sau, thẩm phán Anthony Kelly của Toà kinh lý Liên bang Australia đã tổ chức phiên điều trần trực tuyến để lắng nghe quan điểm của các bên.
"Bộ trưởng Hawke quá vô lý", Wood nói trong phiên điều trần. "Lý do mà Bộ trưởng tước visa của Djokovic lần này hoàn toàn trái ngược so với Lực lượng Biên phòng ở sân bay. Những quan chức ở sân bay nói rằng Djokovic có thể lây nhiễm cho người khác. Còn Bộ trưởng Hawke cho rằng để Djokovic ở lại sẽ 'kích thích làn sóng bài trừ vaccine' ở Australia. Nhưng, có thể ông ấy chưa nghĩ đến trường hợp trục xuất Djokovic cũng sẽ khiến cộng đồng bài trừ vaccine phẫn nộ".
Nỗ lực của Wood đem lại những gì tốt nhất họ có thể mong đợi từ phiên điều trần này. Djokovic vẫn sẽ được tự do cho đến 8h sáng 15/1, giờ Melbourne, khi anh gặp riêng Lực lượng Biên phòng Australia. Tay vợt Serbia sẽ chỉ bị giam từ 10h đến 14h cùng ngày. Anh sẽ được trả tự do để ngủ qua đêm tại nơi ở ngày 15/1, trước khi dự phiên toà một ngày sau đó. Thẩm phán Kelly cũng đề nghị Djokovic chưa bay về Serbia cho đến khi phiên toà diễn ra. Nhưng, vì tính chất của vụ kiện, ông Kelly chuyển vụ kiện lên Toà Tối cao Liên bang Australia. Ở đó, có một thẩm phán khác sẵn sàng thụ lý vụ kiện.
Từ trái sang: Thủ tướng Scott Morrison, Novak Djokovic và Bộ trưởng Di trú Alex Hawke. Ảnh: ABC
Những gì luật sư của Djokovic làm được mới chỉ là bước đầu, khi khả năng thắng kiện của tay vợt chín lần vô địch Australia Mở rộng thấp hơn hẳn lần kiện đầu tiên hôm 10/1.
Hawke tước visa của Djokovic dựa theo điểm 133C(3) và 116(1)(e)(i) của luật Di trú Australia, cho phép Bộ trưởng thi hành quyết định tước visa của một cá nhân "trên cơ sở lợi ích sức khỏe, sự an toàn và trật tự cộng đồng". Không lâu sau quyết định của Bộ trưởng Di trú, Thủ tướng Scott Morrison cũng ra thông báo ủng hộ thuộc cấp. Trong đó, ông Morrison nói rằng Australia đã nhiều lần phải "hy sinh" trong thời dịch, để bảo vệ chặt chẽ biên giới.
Trong thông báo của Hawke, ông ghi nguyên nhân là "trên cơ sở lợi ích sức khoẻ và trật tự cộng đồng", mà không có phần "sự an toàn của cộng đồng". Theo nữ tiến sĩ luật chuyên về Di trú Sangeetha Pillai, đây là "ngưỡng khá thấp" để đưa ra quyết định. Luật sư của Djokovic có thể yêu cầu Bộ trưởng Hawke xem xét lại quyết định, nhưng lần này không đơn giản, vì hai lý do.
"Đầu tiên, Hawke quyết định theo điểm 133C(3), quy định rằng ông không cần đưa ra lý do tước visa của Djokovic", Tiến sĩ Pillai viết trên Twitter. "Điều này giúp ông Hawke tránh lỗi thủ tục nghiêm trọng như các quan chức Lực lượng Biên phòng. Về cơ bản, lý do của Hawke sẽ thuyết phục hơn. Thứ hai, các quy trình tố tụng thông thường không áp dụng với điểm 133C(3). Djokovic vẫn có quyền phản đối quyết định của Bộ trưởng, nhưng dựa trên ít cơ sở hơn. Phạm vi tranh luận rằng quyết định của Hawke bất công sẽ bị giảm xuống. Djokovic chỉ có thể đưa vụ việc ra toà".
Djokovic thắng kiện hôm 10/1 chủ yếu vì thẩm phán Kelly cho rằng anh không có nhiều thời gian để chuẩn bị thêm giấy tờ chứng minh quyền miễn trừ nhập cảnh. Lực lượng Biên phòng Australia chỉ cho anh vài tiếng, và tay vợt Serbia không được liên hệ với luật sư. Trước đó, Djokovic đã được Liên đoàn Quần vợt Australia và chính quyền bang Victoria chấp nhận quyền miễn trừ. Vì thế, quyết định của Lực lượng Biên phòng Australia khi tước visa của anh là không có cơ sở. Còn lần này, Bộ trưởng Hawke không cần cơ sở cụ thể để làm thế, vì đó là những gì quy định trong luật Di trú Australia.
Bộ trưởng Hawke không tiết lộ lý do cụ thể trong thông báo với đại chúng, nhưng theo luật sư Wood, ông Hawke không muốn tay vợt này "kích thích làn sóng bài trừ vaccine". Đội ngũ pháp lý của Djokovic có thể tập trung vào vấn đề này để thuyết phục thẩm phán thay đổi quyết định của Hawke.
Còn một cách khác, nhưng khó hơn cho Djokovic, đó là đề nghị Hawke cấp một "visa bắc cầu" cho tay vợt này thi đấu ở Australia Mở rộng trong lúc chờ phiên toà. Nhưng theo hãng tin ABC, phương án này vừa tốn thời gian, lại gần như chưa có tiền lệ. "Rất khó để một thẩm phán có thể đề nghị một Bộ trưởng cấp visa cho cá nhân", luật sư di trú ở Melbourne Kian Bone nói với ABC.
Nói cách khác, Djokovic gần như phải chiến thắng ở toà án nếu muốn ngăn một lệnh trục xuất lần thứ hai. Cơ hội của tay vợt 34 tuổi lần này thấp hơn hẳn, khi quyền lực cá nhân của Bộ trưởng quá rộng.
Djokovic trong một buổi tập ở Melbourne trong tuần từ 10/1-16/1. Ảnh: NYPost
Ngay cả nếu thắng kiện lần hai, Djokovic cũng chưa chắc được thi đấu ở Australia Mở rộng 2022. Bởi khi đó, Bộ trưởng Hawke có thể sẽ áp dụng điều 109 để trục xuất Djokovic lần thứ ba. Điều này quy định về việc trục xuất người cung cấp thông tin sai khi nhập cảnh. Ông có thể làm thế dựa theo điểm 133A, quy định Bộ trưởng Di trú có quyền lực cá nhân để trục xuất người cung cấp thông tin sai khi nhập cảnh. Khi đó, thời gian để Djokovic kháng cáo chắc chắn không còn, bởi anh dự kiến sẽ chơi trận mở màn ở Australia Mở rộng vào thứ hai 17/1.
Djokovic khai báo thông tin không đúng sự thật ở Tờ khai nhập cảnh Australia. Anh đánh dấu vào ô "Không", với câu hỏi: "Anh có di chuyển đi đâu trong 14 ngày trước chuyến bay sang Australia không?". Chính tay vợt Serbia đã thừa nhận sai lầm này thuộc về người đại diện, khi anh đã sang Marbella, Tây Ban Nha tập luyện từ hôm 31/12.
Djokovic cũng đang đối mặt nguy cơ bị cấm trở lại Australia trong vòng ba năm, nếu anh bị trục xuất. Khi đó, anh sẽ không được cấp visa thông thường, trừ khi được Bộ trưởng cho phép "trong những tình huống bắt buộc ảnh hưởng tới lợi ích của Australia". Nếu kỷ lục gia Australia Mở rộng không muốn trở lại Melbourne, điều đó có thể ảnh hưởng tới lợi ích của đất nước này. Khi đó, Djokovic có thể lại được Bộ trưởng cấp visa năm 2023, nếu anh thực sự muốn trở lại.
Cho dù thế nào, người hâm mộ cũng có thể tin rằng Djokovic sẽ chiến đấu tận lực để được góp mặt ở giải năm nay. Sau chiến thắng đầu tiên ở toà án hôm 10/1, điều đầu tiên anh làm là tới Melbourne Park để tập luyện. Hôm đó, hạt giống số một cũng tập tới quá nửa đêm. "Djokovic là tay vợt tuyệt vời, nhưng tinh thần thi đấu của cậu ấy còn đáng nể hơn", HLV Boris Becker nói về học trò cũ. "Cậu ấy là chàng trai kỳ lạ, và nhìn thế giới ở một góc độ khác".
Xuân Bình