Ông Hoàng Vĩnh Giang - Ảnh: Thu Hà
Các tay đua nữ tại Giải đua xe đạp Đại hội TDTT toàn quốc 2010 diễn ra ở Hòa Bình vào tháng 9 vừa qua - Ảnh: Thế Thiện |
* Trên thế giới hiện nay chỉ có VN và Trung Quốc tổ chức đại hội TDTT toàn quốc. Có ý kiến cho rằng không nên duy trì đại hội TDTT toàn quốc, ông nghĩ sao?
- Đại hội TDTT của Trung Quốc và Việt Nam tương đối giống nhau. Trung Quốc coi trọng việc duy trì đại hội TDTT toàn quốc còn hơn cả việc tham dự Olympic. Đại hội TDTT toàn quốc của Trung Quốc có 28 môn trong chương trình của Olympic. Điều này khác với đại hội TDTT của Việt Nam khi chúng ta có đến 41 môn thi gồm cả môn Olympic, thể thao truyền thống và thể thao dân tộc.
Để phát triển các môn thể thao dân tộc, thể thao Trung Quốc tổ chức một đại hội thể thao riêng. Khi ông Lê Bửu là tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, chúng ta đã tổ chức một đại hội thể thao dành riêng cho các dân tộc. Tuy nhiên đại hội này không duy trì được lâu. Theo tôi, vẫn nên duy trì việc tổ chức đại hội bởi nếu không tổ chức, thể thao ở các địa phương sẽ khó phát triển.
* Ông đánh giá tình trạng thuê mướn VĐV như thế nào?
- Ở vài môn, do một số địa phương không thể vơ hết huy chương vào mình nên phải để địa phương yếu hơn có cơ hội lấy thành tích, với hi vọng được địa phương đầu tư nhiều hơn. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 4, 5, Hà Nội từng nhường 60-70 huy chương cho các địa phương khác theo cách này và vì lý do này. Những năm gần đây, ngành thể thao có quy định về việc chuyển nhượng VĐV để họ có điều kiện tham dự đại hội.
Điều này không phải lấy thành tích cho cá nhân nào mà giúp ngành đó có được sự đầu tư tốt hơn từ các địa phương. Nhìn thì tiêu cực nhưng thật ra lại tích cực cho địa phương đó. Từ đây, chuyện nhường và trao đổi VĐV là do sự thỏa thuận với nhau giữa các đơn vị chứ không phải cái gì cũng tiêu cực. Thời chúng tôi làm, thậm chí phải bỏ tiền đầu tư và cho các địa phương lấy thành tích chứ không hề có chuyện họ trả tiền cho chúng tôi.
* Nhưng việc chuyển nhượng VĐV tràn lan sẽ đi ngược lại mục đích của đại hội là nhằm phát triển phong trào thể thao của các địa phương?
- Đây là một trong những sơ hở của điều lệ và sau này phải có sự điều chỉnh cho hợp lý.
* Ông có nghĩ nên tách riêng đại hội TDTT toàn quốc thành đại hội dành cho các môn Olympic và đại hội dành cho các môn thể thao dân tộc?
- Đầu năm 2011 ngành thể thao sẽ tổ chức một hội nghị bàn về vấn đề đại hội TDTT toàn quốc gộp vào hay tách ra đối với các môn thể thao đỉnh cao và quần chúng. Từ đây, chúng ta có thể làm một cuộc cải cách trong việc phân định các môn thể thao đỉnh cao và quần chúng. Tuy nhiên, theo tôi, nên tách ra bởi hiện nay ngành thể thao không tập trung được vào những con người trọng điểm, những bộ môn trọng điểm để đầu tư.
* Ông có thể cho biết chi phí tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2010?
- Không thể tính toán được số tiền mà mỗi đại hội TDTT toàn quốc tiêu tốn. Chẳng hạn Đại hội TDTT 2010 tại Đà Nẵng đầu tư gần 1.000 tỉ đồng để xây dựng nhà thi đấu thể thao. Đó là chưa kể cơ sở vật chất của các địa phương đầu tư tập luyện cho VĐV. Vì vậy, không thể có con số chính xác về chi phí tổ chức đại hội.
* Có ý kiến cho rằng công tác tổ chức đại hội TDTT hiện nay thiếu chuyên nghiệp. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Đại hội TDTT hiện nay kéo dài lê thê và không chuyên nghiệp. Không có đại hội TDTT nào thi đấu kéo dài lê thê từ đầu năm đến cuối năm với 41 môn thi đấu. Theo tôi, nên tổ chức thi đấu một hoặc hai đợt tập trung ở một hoặc hai địa phương. Việc kéo dài thời gian thi đấu của đại hội và tổ chức rải rác ở nhiều nơi (Đại hội TDTT toàn quốc 2010 tổ chức ở 20 địa phương) sẽ không ai theo dõi được và đầu tư rất tốn kém. Ngoài ra, các VĐV còn nhiều đợt tập huấn quốc gia và thi đấu quốc tế khác chứ không phải chỉ tập trung thi đấu đại hội.
KHƯƠNG XUÂN