Những mùa qua, không khó để nhận ra cự ly giữa VFF và bầu Hiển rất khắng khít qua những chuyến du ngoạn mà ông bầu của Hà Nội T&T khéo léo “lồng việc” cho những thành viên của VFF thành “đoàn viên” của mình nhưng giờ thì bầu Hiển lại trở thành “đối tượng” mà VPF phải làm nghiêm các quy định…
Có thể xem đấy là thách thức đầu cho VPF bởi không nghiêm với các quy định, quy chế bóng đá chuyên nghiệp được từ ngay mùa giải đầu thì xem như là thất bại.
Bầu Hiển làm thế nào để lách luật?
Có thể thấy những động tác của bầu Kiên trong việc “làm gương” khi “xử” đội bóng của mình bằng cách rút đội Thanh niên Hà Nội ra không cho tham dự Cúp Quốc Gia (để tránh phạm vào quy định một ông chủ có hai đội bóng cùng thi đấu ở một giải), là một phát súng lệnh trong việc đảm bảo sẽ xử nghiêm những vi phạm mà trước đấy VFF hay xuê xoa với người nhà.
Nhưng bầu Hiển vẫn có cách “lách” qua lập luận: “Tôi xuất hiện tại SHB Đà Nẵng chỉ đơn thuần là nhà tài trợ. Mà đã là nhà tài trợ thì khi đội thắng tôi có quyền chia sẻ bằng việc khen thưởng, động viên… VPF cấm một ông bầu quản lý hai CLB, nhưng tôi có quản lý hai đội bóng đâu mà cấm? Các cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng liên ngành kiểm tra các hoạt động chi tiêu cũng khẳng định giữa Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng không liên quan tới nhau thì sao nói tôi là ông bầu của SHB Đà Nẵng đúng định nghĩa được?…”.
Thực chất thì lý lẽ đấy chỉ là một cách đối phó ở thời dễ xuê xoa và xem bầu Hiển như người nhà ở bộ máy VFF cho dù có rất nhiều cách để xác định bầu Hiển có phạm luật chơi hay không. Như website của tập đoàn T&T mà bầu Hiển làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc có ghi rõ ông Đỗ Quang Hiển là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một số Công ty khác như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF), Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land), Công ty CP T&T Đà Nẵng… Bấy nhiêu có lẽ đã đủ để xử theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp liên quan đến những điều 72 (Nhà tài trợ không được tài trợ cho hai CLB trong cùng một giải có lên xuống hạng) và điều 21 (Tổ chức, cá nhân không được phép sở hữu nhiều CLB tham gia trong cùng một giải đấu. Tổ chức, cá nhân không được làm ảnh hưởng đến sự quản lý, điều hành hoặc thành tích thể thao của nhiều CLB, tham gia trong cùng một giải đấu. Không được có bất cứ thành viên nào trong gia đình cá nhân đó là thành viên, cổ đông, đối tác thương mại, nhà tài trợ hoặc cố vấn của CLB khác).
Đây là cuộc chiến thực sự của các ông bầu
Khi VPF ra đời ai cũng nghĩ đây là cuộc chơi của các ông bầu và chính các ông bầu sẽ hoàn thiện cuộc chơi của mình. Vì thế mà giải quyết mâu thuẫn đầu tiên trong hệ thống quản lý của các ông bầu cho sân chơi này nếu không thực hiện được và tiếp tục theo vết xe đổ của các BTC mùa trước thì dứt khoát VPF sẽ thất bại.
Nhiều người hay đẩy sự kiện lên cho rằng đây là cuộc chiến của bầu Kiên và bầu Hiển – hai ngôi sao cùng muốn sáng ở một lãnh địa là bóng đá Hà Nội. Tuy nhiên cần xem đây là cuộc chiến cho sự tồn tại của vấn đề pháp lý ở giải chuyên nghiệp đầu tiên mà VPF phải nghiêm thì mới điều hành được.
Và chắc chắn sau cuộc chiến này sẽ còn nhiều cuộc chiến nữa đặc biệt khi bóng lăn. Bởi bất kỳ giải đấu nào cũng có những va đập về quyền lợi của từng đội bóng mà mỗi ông bầu thì đại diện cho một đội bóng ở cuộc chơi này.
Bầu Kiên đang đứng ra để giải quyết phần tồn tại liên quan đến một ông chủ hai đội bóng và chưa thể giải quyết phần gốc khi mới chỉ đấu lý đã căng. Bầu Kiên đã làm hàng loạt động tác để chứng minh mình điều hành VPF mà không vi phạm luật chơi như rút cổ phần ra khỏi Kiên Long Bank sau khi đội bóng này lên hạng Chuyên nghiệp; không cho Thanh niên Hà Nội tham gia thi đấu Cúp Quốc Gia. Có thể cơ quan kiểm toán sẽ phải vào cuộc để làm rõ chuyện ông chủ Hà Nội T&T có tham gia điều hành CLB SHB Đà Nẵng hay không.
Dư luận đang chờ đợi từng động thái của VPF trong cuộc chiến pháp lý mà họ buộc phải đối đầu khi rễ đã ăn quá sâu từ thời VFF xuê xoa cho đội bóng “người nhà”.
Cũng có người cho rằng bầu Hiển chắc chắn sẽ không chịu thua khi đại hội Cổ đông vừa qua cấp dưới của ông đã lên tiếng nắn gân người trong HĐQT VPF và sau cuộc chiến pháp lý sẽ còn nhiều cuộc chiến khác giữa bầu với bầu.
Kiểu gì thì VPF cũng khó tránh những va đập nhưng vấn đề quan trọng là bản lĩnh của những người đứng đầu trong việc giải quyết những mâu thuẫn. Bản lĩnh này khác rất xa với kiểu các ông chủ của những công ty đó là yếu thì sa thải hoặc sai thì đuổi việc.
Bản lĩnh này còn phải thể hiện cả trong việc xử chính mình nữa bởi ai dám khẳng định những ông bầu đang giữ vị trí chủ chốt không sai khi điều hành đội bóng của mình và sẽ có lúc họ ngồi ghế HĐQT mà xử đội bóng do mình quản lý.
Cuộc chiến pháp lý của VPF mới chỉ là chương I khi xử lý người vi phạm trước khi đụng đến các chương liên quan đến “con ông cháu cha” và “người nhà” VPF.
Dù sao thì cũng hy vọng trước khi V-League 2012 vào cuộc VPF sẽ ghi điểm với một “án điểm” mà ba mùa giải qua VFF bất lực không trảm được người nhà nên vào thế “thượng bất chính”.
NGUYỄN NGUYÊN