"Bàn thắng tặng mẹ Niềm!"

>> Văn Quyến “cháy bùng” 3 mục tiêu sau khai hỏa

1. Khi một phóng viên hỏi: “bàn thắng này tặng ai?” thì Quyến không cần nghĩ ngợi mà đáp ngay “tặng mẹ Niềm”. Cảm thấy câu trả lời của mình cụt quá, Quyến chợt nói thêm: “Mẹ đã mất quá nhiều nước mắt cho tôi rồi…!”. Quyến nói như thế một cách bản năng, hay nói bằng những rung động thẳm sâu nhất và những thấm thía da diết nhất từ những thăng trầm, biến động trong cuộc đời mình? Ngoài Quyến, không ai có thể trả lời chính xác, nhưng không hiểu sao khi nghe Quyến nói thế, người viết bỗng nhớ lại một câu chuyện diễn ra với Quyến cách đây đã 6 năm.

Sáu năm về trước, tại xứ Muscat xa xôi, Quyến đã tung chân sút bóng vào lưới ĐT Hàn Quốc, đem về chiến thắng 1- 0 vô cùng oanh liệt cho bóng đá Việt Nam. Khi ngồi viết những dòng này, cá nhân tôi chợt sống lại vẹn nguyên cảm giác khi nghe tin Văn Quyến ghi bàn và Việt Nam chiến thắng. Hồi ấy, sau một đêm tỉnh giấc, dán mắt vào dòng tin “Việt Nam – Hàn Quốc: 1-0”, tôi như không tin vào mắt mình nữa.

meNiem.jpg
Mẹ Niềm là động lực giúp Quyến trở lại - (Ảnh: Hoàng Anh)

Và có lẽ là tất cả những fan của ĐT Việt Nam thời điểm ấy cũng sẽ có chung cảm giác như vậy. Tin làm sao được khi ĐTVN mà thực chất là U.23 Việt Nam lại quật đổ gã khổng lồ của châu lục. Tin làm sao được khi Quốc Vượng - Tuấn Phong – Văn Quyến lại phối hợp chuẩn đến từng ly để rồi sau đó Văn Quyến đã kết thúc bằng một cú sút hình quả chuối và lịch sử đã in hằn trong nó một cột mốc chói loà.

Nhưng có một câu chuyện phía sau bàn thắng lịch sử của Quyến mà có lẽ không nhiều người để ý. Đó là, khi một nhà báo hỏi Quyến: “Bàn thắng lịch sử này, em tặng ai?” thì Quyến đã nói rất thành thật: “Tặng mẹ Niềm của em!”. Ngay lập tức, Quyến đã được tư vấn là bàn thắng lịch sử ấy, phải nói là “tặng tổ quốc” thì nó mới lung linh, và mới xứng với “văn hóa ứng xử” của một ngôi sao. Thế là những hôm sau, các tờ báo liên tục trích lời Quyến quanh chuyện một bàn thắng lịch sử “tặng tổ quốc”.

2. Nếu như bàn thắng vào lưới Hàn Quốc là bàn thắng “trên đỉnh trời” của Quyến, bàn thắng đánh dấu sự thăng hoa tuyệt mỹ trong sự nghiệp một cầu thủ thì bàn thắng vào lưới QK4 trong ngày khai mạc V.League 2009 vừa qua lại ghi dấu cho sự trở lại của một cá nhân từ bóng đen cuộc đời. Với Quyến, có lẽ cũng thật khó để nói xem bàn thắng nào “nặng” hơn bàn thắng nào. Nhưng hai bàn thắng có cùng một đáp số chung, ấy đều là những “Bàn thắng tặng mẹ Niềm”.

Chỉ có điều, ngày Quyến còn ở đỉnh cao danh vọng, khi Quyến nói là “tặng mẹ” thì người ta đã tư vấn cho Quyến phải nói lại là “tặng tổ quốc”. Còn bây giờ, khi Quyến bình thường như bao cầu thủ bình thường khác thì không ai còn “chỉnh” Quyến và “uốn” Quyến theo cái cách mà mình cho là… lý tưởng. Rõ ràng, ở đâu đó, chúng ta vẫn có cái ý niệm “lý tưởng hóa” các ngôi sao. Và ở trong cái cách nghĩ ấy, một khi đã là “sao” thì mọi thứ, từ hình thức đến tâm hồn đều phải thanh cao, sạch sẽ.

meNiem1.jpg
Văn Quyến (10-SLNA) nỗ lực tìm lại chính mình - (Ảnh: Phan Tùng)

Điều đó làm cho các cầu thủ đôi khi cảm thấy gượng ép, thậm chí dẫn họ đi tới bến bờ của sự đổ vỡ. Thế cho nên, ngày Quyến “đi vào quên lãng”, trong số rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, có cả nguyên nhân rằng Quyến không được sống thật là mình. Và thế nên mẹ Niềm của Quyến đã hơn một lần thốt lên rằng: “Ước gì nó mãi là đứa trẻ chăn trâu…!”.

3. Vẫn là Văn Quyến, vẫn là những bàn thắng tặng mẹ Niềm của anh, nhưng rõ ràng là bàn thắng của sáu năm về trước và bàn thắng của hôm nay đã được người hâm mộ nhìn nhận và ứng xử khác rất nhiều.

Sáu năm trước, bàn thắng của Quyến in dấu giày một ngôi sao, lại là bàn thắng lịch sử nên nó phải thật lung linh. Sáu năm sau, bàn thắng của Quyến là bàn thắng của một cầu thủ vừa trở lại sau quãng đời lầm lỡ, nên nó thật bình dị, tự nhiên. Nếu phải chọn giữa một cái bình dị, nhưng là cái bình dị của mình với một cái lung linh, nhưng là cái lung linh có phần “gượng gạo”, chẳng biết Quyến sẽ chọn cái nào?

Hôm qua, người viết định nhấc điện thoại hỏi Quyến câu ấy, nhưng rồi lại thôi vì sợ nó trừu tượng với Quyến. Nhưng với chúng ta, những người làm bóng đá, xem bóng đá và yêu bóng đá, thì câu hỏi ấy thực sự cần phải suy nghĩ rất nhiều. Bởi lẽ từ đó, chúng ta sẽ biết ứng xử với các ngôi sao một cách chân tình, và từ đó, giúp cho họ có thể thoải mái sống cuộc sống thật của mình.

Vẫn biết “con người ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, nhưng nếu có thể tái hiện thời vàng son của mình thì sau một chiến công kiểu như chiến công với Hàn Quốc năm xưa, có lẽ Quyến vẫn sẽ nói: “Tôi tặng cho mẹ Niềm”. Và lúc ấy, nếu có ai đó đề nghị thay hai chữ “mẹ Niềm” bằng một từ nào khác mà Quyến chưa nghĩ tới, thì hãy lắc đầu từ chối, và hãy giữ nguyên câu nói đầu tiên của mình, Quyến nhé!

Theo bongda.gif


Giày Đại Phát solution
Số người online:
73424
Số người truy cập:
8600927