Giới truyền thông khen ông Tuấn vừa là thầy, là cha mẹ, là lái xe, là giúp việc cho Ánh Viên. Nhưng mỗi khi nghe loáng thoáng Ánh Viên làm việc với một số HLV người Mỹ, dư luận lại rộ lên, nghi ngờ vai trò huấn luyện của ông Tuấn.
Sống chung với hoài nghi
Điều này cũng dễ hiểu và cũng có "căn cứ", trong khi phải chăm lo cho đời sống sinh hoạt của Ánh Viên một cách chu toàn thì có thể ông Tuấn sẽ không thể đảm trách được vai trò huấn luyện; hơn nữa, tập huấn ở Mỹ thì kỹ thuật Mỹ từ các HLV bơi lội bản địa là điều nên tận dụng.
Nhưng thực ra, ông Tuấn làm hết về chuyên môn, chỉ đôi lúc có sự hỗ trợ về mặt tổ chức từ ông Frank Holleman hay ông Craig Teeters (ông này có thời là phụ tá của ông Gregg Troy - một HLV tầm cỡ Olympic, đã huấn luyện cho VĐV nổi tiếng Ryan Lochte từng giành 12 huy chương tại Thế vận hội). Thực tế, ông Holleman và ông Teeters chưa bao giờ làm việc trực tiếp với Ánh Viên. Ông Tuấn không chỉ hướng dẫn cô học trò nhỏ về kỹ thuật bơi lội mà còn truyền cho cô một tầm nhìn về sự nghiệp thi đấu bơi lội.
Xa nhà, nhưng năm nào cũng có ổ bánh kem để hai thầy trò chúc mừng sinh nhật
Ông Đặng Anh Tuấn sinh năm 1970, bắt đầu bơi năng khiếu và thi đấu cho đội tuyển tỉnh An Giang từ đầu những năm 1980, có lập một số kỷ lục quốc gia bơi 200 m tự do, 200 m hỗn hợp. Năm 1996, ông Tuấn nghỉ bơi đi học Trường Đại học TDTT TP HCM ở Thủ Đức. Năm 2000 ra trường, ông làm HLV đội trẻ quốc gia. Từ năm 2006 đến nay, ông làm HLV trưởng đội tuyển bơi quốc gia, tức là chưa từng có khoảng thời gian nào ông gián đoạn với nghiệp bơi.
Chính ông Tuấn thừa nhận rằng việc "xây dựng" Ánh Viên mà ông làm mấy năm qua là việc đầu tiên ông thực hiện để vươn đến tầm thế giới. Theo ông Tuấn, các HLV Mỹ họ đã "tạo ra" nhiều VĐV thế giới rồi, họ biết phải làm sao, nhưng ngành thể thao nước mình đâu đủ tiền để thuê họ. Làm sao được như người Nhật Bản hay Trung Quốc, mỗi lần đưa quân sang Mỹ, họ đi theo đoàn vài chục người, ban huấn luyện rất đông, có cả các chuyên gia về khoa học thể thao theo để sao chép công nghệ.
Muốn chỉ đạo phải có bằng HLV
Hệ thống bằng HLV Mỹ rất hay. Ngoài việc xác định đẳng cấp, mức thu nhập, giới hạn những nơi được vào để tiếp xúc với các HLV giỏi khác, nó còn cho phép các HLV được tiếp xúc với những kiến thức về huấn luyện, dinh dưỡng, y học thể thao,... Mỗi HLV được cấp bằng sẽ có một tài khoản tương ứng để truy cập vào hệ thống dữ liệu kiến thức của Hiệp hội Bơi Mỹ (USA Swimming).
Ở Mỹ, muốn xuống sát hồ bơi để huấn luyện, phải có bằng cấp quy định của nước này. Vậy nên, trong thời gian đầu bắt buộc phải ngồi ghế khán đài, ông Tuấn tranh thủ học để thi lấy bằng HLV cấp 1. Thời gian để ông chuẩn bị và tham gia cuộc thi của riêng mình là 3 tuần. Có 180 câu hỏi trong bài thi trắc nghiệm, gồm đủ loại từ sinh lý, sinh hóa..., người thi phải làm đúng 170 câu trở lên mới được lấy bằng. Thêm nữa, người thi phải có các chứng chỉ về cứu hộ, bảo vệ VĐV, có kỹ thuật an toàn trên hồ bơi và lý lịch phải sạch. Tức là ông Tuấn phải thi lấy các chứng chỉ kia xong mới được vào thi bằng cấp 1. Trong 3 tuần, ông Tuấn vừa huấn luyện vừa lo hậu cần cho các VĐV, thức đêm ôn thi để có tấm bằng, vào cuối tháng 2-2012.
Bên Mỹ, HLV bơi có 5 cấp. Sau khi có bằng cấp 1, HLV đó phải có VĐV vô địch giải cấp bang mới được thi lấy bằng cấp 2. Tiếp đó, HLV phải có VĐV do mình huấn luyện trực tiếp đạt chuẩn A Olympic, mới được thi lấy bằng cấp 3. Với bằng cấp 3, một HLV có thể huấn luyện trong một trường đại học hoặc trung học với mức lương 100.000 USD/năm, chưa kể dạy kèm bên ngoài. Nhưng nếu anh bị tai tiếng như ngược đãi trẻ em, lạm dụng tình dục thì vĩnh viễn sẽ không được cấp bằng.
Năm 2015, sau khi Ánh Viên đạt chuẩn A Olympic, ông Tuấn đã đi học để lấy được bằng cấp 3. Tháng 3-2018, ông Tuấn tiếp tục lấy được bằng cấp 4.
Đầu bếp bất đắc dĩ
Đi Trung Quốc tập huấn, các VĐV vào ngay khu liên hợp huấn luyện, có nhà ăn, nhà ở tập thể, ở Mỹ, cả đoàn phải tự lo ăn ở. Trong khi đó kinh phí từ nhà cho đi Mỹ chỉ bằng đi Trung Quốc, chi phí ăn khoảng 30 USD/người/ngày; cả đội (trước đó) và thầy trò Ánh Viên (sau này) phải gói ghém trong số tiền đó, thuê nhà, tự nấu ăn, tự lo phương tiện di chuyển.
Để đặt chân được ra thế giới, Ánh Viên miệt mài trên hồ bơi, còn ông Đặng Anh Tuấn thì miệt mài... trong bếp.
Ông Tuấn tự vào bếp dù chưa từng nấu nướng bao giờ, đến chặt thịt gà thế nào cũng không biết. Ông Đinh Việt Hùng có lần qua Mỹ kiểm tra đoàn tập luyện kể lại chuyện ông Tuấn vừa nấu ăn vừa gọi điện cho mẹ ông Tuấn (bà định cư tại Mỹ, nhưng ở tiểu bang khác) qua headphone gắn vào tai để hỏi cách làm món ăn.
Mấy năm ròng một tay bếp núc mà ông Tuấn đã trở thành một người nấu nướng có hạng. Hằng ngày, Ánh Viên tiêu thụ khoảng 6.000 đến 8.000 Kcal cho hoạt động tập luyện 3 lần, bao gồm một lần tập thể lực trên cạn và 2 lần tập bơi. Do đó bữa ăn cần nạp đủ năng lượng, ngoài ra do đặc thù người Việt Nam nhỏ con, khối lượng cơ không đủ, vì thế cần tập luyện và nạp protein nhiều hơn so với các đồng nghiệp phương Tây. Ánh Viên cho biết khổ nhất là mỗi khi cô phải ăn ức gà, nhiều khi nhìn thấy ức gà là người cô muốn nôn nao rồi. Nhưng cô vẫn phải ăn, vì ăn cũng là một việc phải làm.