Tân binh Sài Gòn FC đang làm giới chuyên môn ngạc nhiên: Mới xuất hiện ở V-League, đội bóng này bất bại sau 5 vòng đấu. Thắng ba, hòa hai có 11 điểm, Sài Gòn FC đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, được đánh giá là ứng viên cạnh tranh chức vô địch cùng Hà Nội T&T.
Cũng bất bại sau 5 vòng nhưng được tới 13 điểm, Hà Nội T&T - Đương kim á quân V-League - thể hiện phong độ cao dù chân sút Lê Công Vinh đã ra đi. Ở chiều ngược lại, Hải Phòng và CLB Hà Nội gây thất vọng tràn trề. Hải Phòng từng giành HCĐ năm 2008, HCB 2010 nhưng nay đang đội sổ với vẻn vẹn 2 điểm. Đội này đã chi tiền tỷ thuê HLV Lê Thụy Hải, nhưng vẫn chưa biết mùi thắng trận. CLB Hà Nội của “bầu” Kiên khá hơn một chút, có 3 điểm sau 5 trận, với một dàn sao hàng đầu như Công Vinh, Thành Lương, Timothy…
Cầu thủ Sunday của đội Thanh Hóa trong trận đấu đầy bạo lực với Sài Gòn FC. Ảnh: An Nhơn. |
152 thẻ vàng, 4 thẻ đỏ cho 5 vòng đấu, theo giới chuyên môn, vẫn chưa đủ phản ánh tình trạng bạo lực ở các sân cỏ V-League. Trận Sông Lam Nghệ An – Hà Nội T&T (2-2), Huy Hoàng phi thẳng hai chân về phía Samson sau khi chạy đà chừng hơn 10m. Samson tránh được cú vào bóng bị gọi là “hủy diệt”, còn kịp trả đũa bằng chiếc gầm giày vào mắt đối phương. Những pha bóng triệt hạ xuất hiện ngày càng nhiều khiến giới chuyên môn lo ngại tình trạng bạo lực tràn lan. Mới đây, Tổng cục TDTT đã phải ra khuyến cáo cầu thủ chơi đẹp.
Trên khán đài, pháo sáng vẫn xuất hiện. Ở Cup Quốc gia, tình trạng còn tệ hơn: Vòng bán kết, CĐV quá khích của Sài Gòn FC ném vỡ kính xe chở đội Thanh Hóa sau những diễn biến bạo lực của cầu thủ trên sân. Tình trạng này khiến VPF bị cho là kém về công tác tổ chức.
CĐV Sông Lam Nghệ An đốt pháo sáng trên sân Bình Dương. Ảnh: An Nhơn. |
Đã có hai trọng tài bị treo còi vì những quyết định sai ở Cup Quốc gia. Vòng đấu nào, ở hạng nào, cũng có CLB kêu ca về năng lực điều hành của trọng tài. Sông Lam Nghệ An đã nói không với trọng tài Vũ Bảo Linh, còn cổ động viên đòi giết ông này vì cho rằng ông thiên vị Hà Nội T&T trong trận hòa 2-2 trên sân Vinh. Đội Khánh Hòa sau trận thua CLB Hà Nội 1-4 đã tố trọng tài Bùi Quang Thông từng bị kỷ luật cấm tham gia các hoạt động bóng đá hết đời vì dính đến tiêu cực hồi còn là cầu thủ. Thông tin đội Khánh Hòa đưa ra là chính xác và Ban trọng tài sau khi treo còi trọng tài Thông, đã tuyên bố sẽ vĩnh viễn không dùng tay còi người Thanh Hóa này nữa.
Nhìn từ khán đài, V-League 2012 đang gây ấn tượng về lượng khán giả.Tổng cộng sau 5 vòng đấu, có tới 262.500 lượt người mua vé vào sân. Tính trung bình, mỗi trận đấu có 7.500 khán giả. Đáng chú ý, lượng khán giả đang có dấu hiệu tăng lên. Vòng 5 có 66.500 khán giả, cao hơn hẳn 4 vòng trước đó. Riêng trận Bình Dương - Sông Lam Nghệ An đã bán được 19.500 vé. Những con số này chưa phải kỷ lục nhưng chứng tỏ, V-League đã có sức hút trở lại sau một thời gian dài bị CĐV quay lưng.
VPF tạo ra ấn tượng là đang không chuyên tâm vào tổ chức tốt giải đấu, mà mải mê tranh chấp bản quyền truyền hình. V-League 2012 là năm thứ hai AVG giữ bản quyền truyền hình theo hợp đồng đã ký có thời hạn 20 năm với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Sau khi được thành lập, VPF – Công ty thay cho VFF quản lý, điều hành V.League, Cup Quốc gia và hạng Nhất - đổi tên V-League thành Super League, đồng thời lên tiếng phủ nhận tính pháp lý của bản hợp đồng truyền hình mà VFF đã ký trước đó với AVG. VPF cho rằng, họ là đơn vị sở hữu các giải đấu, đương nhiên sở hữu bản quyền truyền hình. VPF cho phép các nhà đài truyền hình trực tiếp trận đấu mà không cần AVG đồng ý, dẫn tới những tranh cãi triền miên giữa các đài truyền hình và AVG. Không tìm được tiếng nói chung, VPF gửi công văn tới ba Bộ Tư pháp, Văn hóa Thể thao Du lịch, Thông tin Truyền thông, đề nghị xem xét tính hợp pháp của hợp đồng AVG-VFF. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch sau đó đã thành lập đoàn thanh tra vào cuối tháng 1/2012. Theo kế hoạch, hết tháng 2/2012, thanh tra sẽ có kết luận. VPF cho biết, ngoài kết luận của đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL, họ còn chờ những động thái từ Bộ Tư pháp, Thông tin Truyền thông.
Khoa Nguyễn