Xe buýt chạy bằng rác thải

Một xe buýt sử dụng nhiên liệu sinh học tại Thụy Điển. Ảnh: AFP.
Xe buýt sử dụng nhiên liệu sinh học tại Thụy Điển. Ảnh: AFP.

“Xe buýt mới sẽ giúp chúng tôi giảm được nhiều thứ như khí thải CO2, rác, tiếng ồn và cả nước cống”, Ole Jakob Johansen, một quan chức phụ trách dự án chế tạo xe buýt sử dụng nhiên liệu sinh học của Oslo phát biểu. Nhiêu liệu xe buýt sử dụng là khí metan được tạo ra từ bùn và nước cống. Nhà máy xử lý rác thải Bekkelaget – nơi tiếp nhận rác thải của 250.000 người trong thành phố - sẽ cung cấp nguyên liệu để sản xuất metan.

“Hoạt động tắm rửa của mỗi người trong một năm tạo ra khoảng 8 lít dầu diesel. Con số đó tuy không lớn, nhưng nếu nhân với 250.000, chúng ta sẽ có đủ nhiên liệu để 80 xe buýt chạy được 100.000 km mỗi xe”, Johansen nói.

Sử dụng khí metan sinh học là một bước nhảy vọt trên phương diện bảo vệ môi trường. Ngoài việc giảm lượng khí thải carbon, xe buýt dùng metan sinh học thải ra ít nitơ oxit (giảm 78%) và hạt siêu nhỏ gây ô nhiễm (giảm 98%) hơn so với xe buýt dùng diesel. Mức độ ồn của chúng cũng giảm tới 92% so với xe buýt truyền thống.

Johansen cho biết, chi phí sản xuất nhiên liệu sinh học thấp hơn so với dầu diesel. Người ta chỉ mất 0,72 euro để sản xuất lượng khí metan tương đương một lít dầu diesel, trong khi giá một lít dầu diesel ngoài các trạm xăng ở Na Uy là hơn 1 euro.

“Metan sinh học rẻ hơn, song chi phí mua xe buýt mới và bảo dưỡng chúng sẽ cao hơn. Nếu tính cả chi phí sản xuất metan, mua xe và bảo dưỡng thì chi phí dành cho xe buýt chạy nhiên liệu sinh học sẽ cao hơn 15% so với xe buýt truyền thống”, Anne-Merete Andersen, quan chức phụ trách hệ thống vận tải công cộng của thành phố Oslo, nhận xét.

Khác với ethanol sinh học (được sản xuất từ ngũ cốc và thực vật), metan sinh học không hề làm giảm sản lượng lương thực. Nó cũng không cần tới các nguồn nước trong quá trình sản xuất như ethanol sinh học. Các tổ chức bảo vệ môi trường rất phấn khởi khi giới chức thông báo về dự án tại Oslo.

“Chúng tôi đã chờ đợi điều này từ lâu. Đây là một dự án vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị. Tôi thấy xe buýt sử dụng nhiên liệu sinh học không hề có bất kỳ yếu điểm nào. Ngược lại, nó cho chúng ta thấy con người luôn có cách để tận dụng những thứ mà chúng ta bỏ đi”, Olaf Brastad, một lãnh đạo của tổ chức Bellona, phát biểu.

Nếu nhà máy xử lý rác thải thứ hai của Oslo tham gia dự án và lượng thức ăn thừa của người dân được biến thành nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học, lượng khí metan mà thành phố tạo ra có thể cung cấp cho 350 đến 400 xe buýt hoạt động. Theo tính toán của các chuyên gia, với 400 xe buýt sử dụng metan sinh học, lượng khí thải CO2 sẽ giảm khoảng 30.000 tấn mỗi năm.

Trước đó, xe buýt chạy bằng nhiên liệu sinh học đã xuất hiện ở nhiều thành phố châu Âu như Lille (Pháp) và Stockholm (Thụy Điển).

Minh Long (theo AFP)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
63630
Số người truy cập:
7548180