'Bóng ma AI' - nguồn cơn của đợt đại sa thải công nghệ mới

 "Dell đang tinh gọn bộ máy. Chúng tôi giảm bớt các lớp quản lý, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong dự án đầu tư", Bloomberg dẫn một thông báo nội bộ liên quan tới kế hoạch sa thải 10% lực lượng lao động, tương đương 12.500 người, của Dell.

Theo Business Insider, quyết định trên diễn ra khi Dell triển khai chiến lược AI mới. Công ty đã thử nghiệm các công cụ trí tuệ nhân tạo nội bộ từ tháng 10/2023 và đang áp dụng vào phát triển sản phẩm, quản lý nội dung, công cụ bán hàng và dịch vụ khách hàng.

"Bóng ma AI" cũng xuất hiện trong thông báo cắt giảm 15% nhân viên của Intel, tương đương 17.500 người, theo ước tính của Reuters. Khác với Dell, Intel phải giảm bớt nhân sự do đang tụt hậu so với đối thủ trong cuộc đua chip AI, còn thị trường chip dành cho trung tâm dữ liệu truyền thống có xu hướng đi xuống.

Ảnh chụp trong nhà máy D1X của Intel ở Hillsboro, Oregon (Mỹ), hồi tháng 11/2021. Ảnh: Intel

Intel đang tái cấu trúc, tập trung phát triển bộ vi xử lý AI. Trong thông báo ngày 1/8, hãng dự tính giảm chi tiêu và chi phí hoạt động khoảng 10 tỷ USD từ nay đến 2025. "Kế hoạch cho thấy ban lãnh đạo Intel sẵn sàng áp dụng biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt để giải quyết vấn đề", Michael Schulman, Giám đốc phụ trách đầu tư của Running Point Capital, nói với Reuters.

Trong khi đó, Cisco đã thực hiện hai đợt điều chỉnh lớn. Lần đầu vào tháng 2 với 4.000 nhân viên bị cho thôi việc. Lần thứ hai được cho là đang diễn ra với con số tương đương hoặc cao hơn, trong bối cảnh công ty chuyển trọng tâm sang lĩnh vực mới như AI và an ninh mạng.

Sau cuộc đại sa thải năm 2023, xu hướng vẫn tiếp diễn trong 2024. Dữ liệu từ nền tảng việc làm Layoffs.fyi cho thấy từ đầu năm đến nay có khoảng 60.000 nhân sự công nghệ mất việc. Các công ty như Tesla, Snap, Amazon, Google, TikTok và Microsoft đều tìm cách tối ưu hóa chi phí vận hành bằng cách tinh gọn bộ máy.

Lý do khiến sa thải công nghệ kéo dài

Theo Techcrunch, làn sóng sa thải trong năm 2024 cho thấy tác động tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo đến công việc của con người. Từ startup đến tập đoàn công nghệ đều đang tự động hóa và đổi mới cách thức vận hành. Khi tổ chức dồn lực vào AI, họ cần huy động nguồn tiền lớn, dẫn đến các bộ phận truyền thống, không còn phù hợp bị loại bỏ.

Một số nhân viên Dell nói với Business Insider rằng việc sa thải tạo "cảm giác khó khăn", nhưng họ hiểu AI đang thay đổi bản chất công việc. "Từ góc độ kinh doanh thuần túy, điều giới lãnh đạo đang làm là có lý", một quản lý của Dell cho biết. "Họ đang làm mọi cách để giảm lao động kém hiệu quả và thay thế bằng AI để đẩy nhanh các giải pháp bán hàng hiện tại".

Một nhân viên khác đánh giá, số tiền dành cho các máy chủ AI ngày càng tăng, nên việc giảm nhân sự là một cách để thu hồi chi phí ở phía doanh nghiệp.

Trong khi đó, Tech.co nhận định về lâu dài, những thay đổi này giúp các công ty "trụ lại" và tiếp tục phát triển. Người may mắn không bị sa thải phải chấp nhận thực tế họ chưa an toàn, đây chưa phải đợt thanh lọc cuối của ngành công nghệ trong 2024.

Trước đó, từ cuối 2022, làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ đã bắt đầu và "càn quét" suốt 2023. Đáng chú ý, nhiều công ty vẫn cho nhân viên nghỉ việc ngay cả khi doanh thu và lợi nhuận tích cực.

Pauline Roth, nhà sáng lập công ty tư vấn PCR (Mỹ), viết trên LinkedIn rằng bên cạnh tác động của AI, còn có một số lý do khác như quy mô nhân sự phình to nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch đã tạo "khủng hoảng thừa".

"Các công ty công nghệ lớn phải chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng quá nhiều. Họ chiêu mộ người mới, làm những vị trí không cần thiết chỉ để đáp ứng thước đo phù phiếm về tuyển dụng", Keith Rabois, CEO công ty tài chính OpenStore, nói tại sự kiện ngân hàng Evercore ở Miami (Mỹ) đầu 2023. Trong đó, nhiều công ty ở Thung lũng Silicon cố tình lôi kéo kỹ sư và tài năng công nghệ chỉ với mục đích ngăn họ chuyển sang công ty đối thủ.

Tuy nhiên, sau đại dịch, họ đối mặt với sự dư thừa và chuyển hướng sang "năm hiệu quả", nổi bật là Meta cắt giảm 22%, tương đương 21.000 người. Hồi tháng 2, CEO Mark Zuckerberg thừa nhận việc sa thải "đau đớn và khó khăn" trong giai đoạn đầu, nhưng đem lại lợi ích và hiệu quả lâu dài.

"Meta gặp nhiều trở ngại khi phải chia tay các kỹ sư tài năng. Dù vậy, việc tinh gọn thực sự giúp chúng tôi hoạt động tốt hơn", Zuckerberg nói.

Brent Thill, nhà phân tích công nghệ tại ngân hàng đầu tư Jefferies, khi đó cảnh báo trên Fortune: "Các công ty sẽ giảm lượng lớn nhân lực nếu chứng kiến doanh nghiệp khác làm được nhiều hơn với số nhân viên tinh gọn hơn. Điều này đang lây lan khắp ngành công nghệ".

Theo CNBC, dù tin tức về sa thải gây sốc, doanh nghiệp công nghệ vẫn liên tục tuyển người cho dự án AI. Tổ chức đào tạo CompTIA thống kê từ đầu năm đến nay có khoảng 180.000 tin tuyển dụng ở Mỹ liên quan đến AI. Tuần trước, Zuckerberg nói Meta phải giảm nhân viên và kiểm soát chi phí để "có thể đầu tư vào tầm nhìn dài hạn và đầy tham vọng xung quanh AI".

Trong khi đó, nhà đầu tư coi điều chỉnh nhân sự là tín hiệu tích cực. Theo giáo sư Jeff Shulman tại Trường Kinh doanh Foster thuộc Đại học Washington, sa thải diễn ra khi công ty nhỏ cạn nguồn tiền mặt, còn doanh nghiệp lớn nhận thấy việc tinh gọn giúp vận hành tốt hơn.

"Thị trường chứng khoán chuyển biến tích cực sau mỗi đợt điều chỉnh nhân sự, vì thế các công ty không có lý do gì để dừng lại. Họ muốn làm hài lòng nhà đầu tư", Shulman nói với NPR. "Làn sóng này thậm chí là sự bắt chước lẫn nhau".

Khương Nha


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2227
Số người truy cập:
9241754