Ngày 16/12, hội thảo tổng kết và đánh giá kết quả của dự án "Hành lang xanh" do World Bank tài trợ diễn ra tại Thừa Thiên Huế. Bên cạnh việc quy hoạch khu bảo tồn mới cho Saola, trong hơn 4 năm qua dự án còn giúp mở rộng Vườn quốc gia Bạch Mã, quản lý cháy rừng, chống buôn bán động vật hoang dã và đa dạng sinh học.
Sau khi nhận định cảnh quan "Hành lang xanh" là khu vực duy nhất ngang qua hệ sinh thái dọc theo dãy Trường Sơn, nối liền với các cánh rừng nước Lào và có tính đa dạng sinh học cao, Tiến sĩ Chris Dickinson, cố vấn trưởng dự án "Hành lang xanh" cho rằng, khu vực này cần tiếp tục được can thiệp kịp thời.
WWF đang lên kế hoạch xây dựng 2 dự án nhằm tiếp tục phát triển những kết quả bảo tồn đã đạt được. Trong đó dự án "Chống buôn bán động thực vật hoang dã tại vùng Cổ Chai" sẽ tăng cường thực thi pháp lý để bảo vệ các loài khỏi sự buôn bán bất hợp pháp. Còn dự án "Phát triển Mây tre bền vững" do Ủy ban châu Âu tài trợ sẽ thiết lập hệ thống sản xuất bền vững cho các sản phẩm mây tre tại Việt Nam cũng như Lào và Campuchia.
Dự án "Hành lang xanh" được bắt đầu tháng 6/2004 do WWF Việt Nam - Tiểu vùng sông Mekong và Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên Huế thực hiện. Mục đích của dự án là bảo vệ và duy trì các khu vực rừng có tính đa dạng sinh học cao của cảnh quan rừng từ Thừa Thiên Huế đến biên giới Lào.
Trước đó, WWF đã phát hiện các loài hoàn toàn mới gồm một loài rắn, 2 loài bướm, 5 loài phong lan và 3 loài thực vật khác ở khu vực "Hành lang xanh". Các loài này đều chỉ có tại rừng nhiệt đới Trường Sơn và lần đầu tiên được biết đến trên thế giới.
Tiến Dũng
(Theo VnExpress)