Vụ ảnh 'nhạy cảm' của khách xem phim bị phát tán: Có được lắp đặt camera giám sát?

 Liên quan đến vụ nhân viên trong rạp chiếu phim CGV chụp lại hình ảnh "nhạy cảm' của khách và để người khác xem, sau đó phát tán lên mạng xã hội, PV trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vụ việc dưới góc độ pháp lý.

Theo Luật sư Thơm, xã hội đang trong giai đoạn phát triển nên những vấn đề an ninh, đảm bảo an toàn trong các gia đình, cơ quan, tổ chức, và những nơi công cộng là rất cấp bách và nghiêm trọng. Hàng loạt các sự kiện pháp lý xảy ra trong đời sống xã hội được ghi lại qua các hệ thống camera giám sát của nhà dân, trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện… đã góp phần quan trọng để các cơ quan pháp luật xử lý giải quyết theo quy định.

Mặt khác, đó cũng là căn cứ để các cơ quan tổ chức giám sát các hoạt động con người trong nội bộ nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo thực hiện đúng việc thực thi các quy định của cơ quan tổ chức đó.

Về nguyên tắc, pháp luật không cấm việc lắp đặt các camera giám sát trong nội bộ cơ quan tổ chức hay trong khuôn viên thuộc quyền quản lý của mình. Nhưng việc lắp đặt này phải được sử dụng đúng mục đích hợp pháp để giám sát, phát hiện và ngăn ngừa những hành vi vi phạm nội quy và vi phạm pháp luật.

 

 

 Nếu lợi dụng hình ảnh camera giám sát này để nhằm các mục đích xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân thì tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình".

Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: "Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Người nào chịu trách nhiệm quản lý, lưu giữ các hình ảnh của người khác qua camera giám sát tại nơi mình lắp đặt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nội quy của cơ quan tổ chức thì có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc vi phạm hoặc thông báo cho cơ quan pháp luật giải quyết nếu sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Về vụ việc trong rạp chiếu phim CGV xảy ra vừa qua gây xôn xao dư luận, Luật sư Thơm cho rằng, đây là hồi chuông cảnh báo việc quản lý các hình ảnh camera giám sát khi được sử dụng không đúng mục đích. Khi khách hàng mua vé vào xem phim được coi là việc xác lập hợp đồng dân sự giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ là CGV.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong quá trình thực hiện hợp đồng, về nguyên tắc, CGV không được tiết lộ thông tin bí mật cá nhân của khách. Nếu hình ảnh các nhân thuộc về bí mật đời tư bị tiết lộ trong quá trình thực hiện hợp đồng gây thiệt hại đến quyền nhân thân của khách hàng thì trước tiên CGV phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015.

Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".

Theo quan điểm của Luật sư Thơm, "bí mật đời tư" là chuyện thầm kín của một cá nhân nào đó. Đáng lẽ ra, khi camera giám sát phát hiện khách ngồi xem có những hành vi ứng xử "nhạy cảm" chưa đúng đúng với nội quy rạp chiếu phim thì có quyền yêu cầu khách chấm dứt hành vi vi phạm hoặc từ chối không tiếp tục sử dụng dịch vụ thì có lẽ sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, do lợi dụng việc quản lý camera giám sát, khi thấy các hình ảnh nhạy cảm của khách, nhân viên của CGV đã đã chụp lại hình ảnh của khách và cho người thân xem. Sau đó, người thân của nhân viên đã đăng tải trên mạng xã hội.

Về phía khách xem phim, tin rằng khi ngồi trong ghế có vách ngăn kín 2 bên sẽ không ai phát hiện nên đã có những ứng xử "nhạy cảm" thái quá trong quan hệ nam nữ. Tuy nhiên, camera giám sát đã ghi lại rõ nét tất cả các hành vi của khách xem phim. Bị ghi lại hình ảnh nhạy cảm này là điều khách xem không biết và không mong muốn để người khác xem và đưa lên mạng xã hội. Việc đưa những hình ảnh này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời tư và cuộc sống nói chung của họ. Đây là quyền nhân thân của công dân được pháp luật bảo vệ.

Rạp chiếu phim được xem là nơi công cộng nhưng họ không bày tỏ hành vi "nhạy cảm" một cách công khai cho mọi người xem và đưa lên mạng xã hội. Nếu họ công khai thể hiện hành vi "nhạy cảm" trước mọi người thì khi đó không còn được coi là bí mật đời tư. Dù không còn bí mật đời tư, nhưng pháp luật nghiêm cấm sử dụng các hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội để đưa lên không gian mạng nhằm các mục đích khác nhau.

Trong trường hợp này, người nào đưa các thông tin trái luật lên mạng xã hội thì tùy theo tính chất, mức độ, động cơ vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 2 điều 64 Nghị định 174/2013 (Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Ngoài ra, trường hợp các hình ảnh "nhạy cảm", các cơ quan chuyên môn giám định là thuộc danh mục văn hóa phẩm đồi trụy thì những người làm ra và đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích phổ biến cho người khác, nếu thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm sẽ bị xử lý về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.

Tuệ An


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24965
Số người truy cập:
9026808