Ngày 14/1, Hội nghị quốc tế về vật lý ứng dụng (Vietnam - Korea International Symposium on Applied Physics- V-KISAP 2019) do Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa, Đại học Phenikaa phối hợp cùng Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam và Hội Vật lý Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 80 nhà vật lý hàng đầu trong lĩnh vực vật lý ứng dụng, khoa học vật liệu trong nước và quốc tế, trong đó có GS Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida (Mỹ) và GS Nguyễn Minh Thọ, Đại học KU Leuven (Bỉ) tham dự và trình bày tham luận.
Hội nghị được tổ chức trong 3 ngày với 30 tham luận trao đổi các kết quả nghiên cứu về vật liệu mới ứng dụng trong năng lượng và điện tử, vật liệu 2 chiều, vật liệu và thiết bị cấu trúc nano, vật liệu và thiết bị từ tính...
GS Nguyễn Minh Thọ, Đại học KU Leuven (Bỉ) trình bày về tương tác giữa lý thuyết và thực nghiệm trong khoa học vật liệu. Ảnh: BN. |
Những chia sẻ tại hội nghị nhằm mục đích hợp tác và thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và đưa kết quả nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ trong vật lý ứng dụng, khoa học vật liệu vào đời sống.
PGS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho biết, hiện nhiều dự án mới đang được Viện nghiên cứu, Đại học Phenikaa cùng một số công ty công nghệ triển khai, trong đó có nghiên cứu về vật liệu nhiệt điện, vật liệu điện tử hữu cơ.
Các nghiên cứu này dựa trên nhu cầu thực tế và xu thế tương lai, trong đó vật liệu siêu thông minh được chú trọng vì đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của cả Việt Nam và toàn thế giới do tính ứng dụng vào đời sống cao.
Trước kia linh kiện điện tử chủ yếu phát triển trên vật liệu vô cơ. Gần đây, những sản phẩm tivi tốt nhất trên thế giới đang thể hiện rõ ưu thế của điện tử hữu cơ vì độ linh hoạt, mềm dẻo của vật liệu này.
Tivi khi dùng vật liệu điện tử hữu cơ sẽ cho chất lượng ánh sáng tốt hơn, thân thiện với người sử dụng và sản phẩm đa dạng. Với các loại đèn, vật liệu điện tử hữu cơ giúp tạo ra các thiết bị điện tử mềm dẻo, trong suốt. "Trong tương lai các sản phẩm sử dụng loại vật liệu này phát triển rất nhanh", PGS Huy nói.
Nghiên cứu khoa học tại Đại học Phenikaa. Ảnh: T. Anh. |
Đối với vật liệu hai chiều, giai đoạn hiện nay các nghiên cứu tập trung tìm ra tính mới trong ứng dụng trong tương lai. Trong thời gian ngắn, các nhóm nghiên cứu có thể đưa ra các vật liệu ứng dụng để tạo các cảm biến trong các thiết bị giúp đo được các thông số nhỏ hơn, chính xác hơn của cơ thể con người, phục vụ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đo nhịp tim, kiểm tra các thông số cơ thể.