Các cô gái có cơ hội trở thành nữ phi hành gia vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc đều được chọn ra từ các quân nhân của không quân nước này. Ảnh minh họa: Shanghaiist |
Ba nhà du hành vũ trụ sẽ có mặt trên tàu Thần Châu 9 trong khoảng từ tháng 6 tới tháng 8 năm nay, để tiến hành việc ghép nối với module Thiên Cung-1 đang bay trên quỹ đạo của trái đất, Xinhua trích lời một quan chức của chương trình không gian có người lái của Trung Quốc.
Một nhóm các phi hành gia, trong đó có một số phụ nữ, đang tập luyện cho nhiệm vụ kết nối kể trên. Phi hành đoàn 3 người sẽ được chọn ra trong số họ vào phút chót, quan chức có tên Niu Hongguang nói.
Sau khi tàu Thần Châu 9 và module Thiên Cung-1 gặp nhau tại một điểm hẹn trên không gian, các nhà du hành sẽ di chuyển tạm thời vào bên trong Thiên Cung-1, nơi họ sẽ tiến hành các thí nghiệm khoa học. Thiên Cung-1, module trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, được phóng lên quỹ đạo hồi tháng 9/2011.
Nhiệm vụ kết nối này là bước phát triển mới nhất trong chương trình nhằm mục tiêu giúp Trung Quốc có trạm vũ trụ cố định vào năm 2020. Tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 trở về trái đất hồi tháng 11/2011, sau khi hoàn thành hai lần lắp ghép với Thiên Cung-1, trong lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành ghép nối không người lái trên vũ trụ. Đây là một công việc phức tạp vì hai phi thuyền đều di chuyển với tốc độ cao trên quỹ đạo. Làm chủ công nghệ ghép nối trên vũ trụ là một nhiệm vụ không đơn giản mà Nga và Mỹ từng làm được trong những năm 60 thế kỷ trước.
Trung Quốc coi chương trình vũ trụ là một biểu tượng cho tầm vóc toàn cầu của nước này, cũng như khả năng công nghệ ngày một phát triển. Chương trình này đang hướng tới mục tiêu thiết lập trạm vũ trụ của Trung Quốc, nơi một phi hành đoàn có thể tồn tại độc lập trong vài tháng, giống như trạm Mir của Nga hay Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trung Quốc lần đầu đưa công dân nước này lên vũ trụ vào năm 2004 và kể từ đó đã tiến hành một số nhiệm vụ có sự tham gia của con người trong không gian.