Trong công điện tối 26/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thành phố đang nghiên cứu nguy cơ lây nhiễm với trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine, đeo khẩu trang và đứng cùng thang máy với F0 trong thời gian ngắn. Theo đó, Sở Y tế thành phố phân loại F1, F2, phân tích nguy cơ (bao gồm việc đi chung thang máy với F0) trong một số trường hợp theo đặc thù của những đô thị lớn.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam), cho biết thang máy là môi trường lưu thông không khí kém (khoảng 10 m3), có nhiều bề mặt chung mà mọi người cùng tiếp xúc như nút bấm, nơi quét vân tay, tay nắm... Bạn có thể mắc Covid-19 nếu chạm vào các bề mặt chứa nCoV rồi đưa lên mắt, mũi, mặt.
Bên cạnh đó, do diện tích chật hẹp, mọi người khó giữ khoảng cách an toàn cách nhau 2 mét. Nếu F0 không đeo khẩu trang mà ho, nói chuyện, thở nặng thì nguy cơ truyền bệnh cho người khác qua các giọt bắn là rất cao.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng nguy cơ lây nhiễm khi đi thang máy là có nhưng thấp nếu người dân đeo khẩu trang đúng cách, sát khuẩn, đồng thời không nói chuyện. Việc này giúp giảm thiểu đáng kể sự tiếp xúc với các giọt bắn, từ đó giảm khả năng lây nhiễm. Khẩu trang đeo đúng cách là phải che được cả mũi, miệng và người dùng không được chạm tay vào mặt ngoài của nó.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu có thể, bạn hãy đi thang máy một mình, tránh đi cùng với nhiều người khác. Không chạm vào mặt, lấy tay dụi mắt, mũi sau khi sử dụng các nút bấm thang máy và phải rửa tay với dung dịch sát khuẩn ngay sau đó. Đừng vào thang máy nếu trong đó có người không đeo khẩu trang.
Khử trùng thang máy trong bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Đông
Thùy An