Từ 7h, điểm dừng chân đèo Khau Phạ đã có hàng chục người tập trung di chuyển đến nơi bay dù, phần lớn đều đã đặt trước lịch.
Hiền Mai, 23 tuổi ở Hà Nội, lần thứ hai bay dù lượn ngắm mùa lúa chín. Do đã có kinh nghiệm, để chắc chắn bay được cuối tuần Mai phải liên hệ đơn vị cung cấp dịch vụ trước 2 tuần. "Khi tôi đến nơi đã có rất nhiều người đợi nên thấy việc book lịch trước là đúng đắn. Tôi được bay ngay khi thời tiết thuận lợi", Hiền Mai nói về chuyến bay dù hôm 11/9.
Không may mắn như Mai, Phan Linh (27 tuổi, TP HCM) kết thúc chuyến đi Mù Cang Chải từ 9 đến 11/9 trong tiếc nuối vì không được bay như mong muốn. Linh cho biết, cả hai ngày của chuyến đi, cô đều quay lại điểm bay để đăng ký nhưng đều bị từ chối do hết suất.
Rất nhiều du khách như Phan Linh, không chủ đích đến Mù Cang Chải để bay dù nhưng sau khi quan sát mọi người chơi mới thấy thích thú và đăng ký tại chỗ. Tuy nhiên, đa phần đều bị từ chối.
Theo đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ bay dù lượn trên đỉnh đèo Khau Phạ, kể từ đợt nghỉ lễ 2/9, họ bắt đầu ghi nhận lượng khách tăng rõ rệt. Sau 10 ngày mở cửa trong khuôn khổ sự kiện "Bay trên miền danh thắng", đơn vị này đã đón cả nghìn lượt khách. So với thời điểm trước dịch, con số tăng gấp ba lần.
Trung bình mỗi ngày, đơn vị này phục vụ từ 20 đến 50 khách, tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết. Những hôm trời xấu, nhiều mây mù, không đủ điều kiện thì không thể bay. Các ngày cuối tuần, cao điểm có thể lên tới 70 lượt khách mỗi ngày. Nếu không bị ảnh hưởng của thời tiết, trung bình từ 10 đến 15 phút sẽ có một lượt bay mới, mỗi lượt bay chỉ được một hành khách.
Đại diện cung cấp dịch vụ khuyên du khách đăng ký trước 1 đến 2 tuần để chắc chắn ngày và giờ bay. "Với những du khách đến nơi mới đăng ký sẽ phải chấp nhận rủi ro có thể không được bay do thời tiết hoặc ngày đó đã kín chỗ. Nếu may mắn được bay luôn, họ cũng thường phải xếp hàng từ 30 phút đến 1 tiếng", người này cho biết.
Chi phí trung bình cho một lượt dao động từ 2,2 đến 2,6 triệu đồng. Khách sẽ bay cùng một phi công chuyên nghiệp với thời gian từ 10 đến 30 phút, tuỳ điều kiện gió và sức khoẻ của khách.
Du khách bay dù xuất phát tại đèo Khau Phạ (trên QL 32 thuộc xã Cao Phạ, Mù Cang Chải), một trong tứ đại đỉnh đèo, nổi tiếng bởi sự hiểm trở với độ cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển.
Trong quá trình bay, du khách được lơ lửng trên không trung ngắm nhìn biển lúa vàng ẩn hiện trong làn sương sớm ở thung lũng Lìm Mông. "Được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên từ trên cao cảm giác rất khác, người mình giống như được tiếp giáp với mây núi", Hiền Mai, khách bay dù lượn, chia sẻ.
Dịch vụ bay dù ở Mù Cang Chải mỗi năm chỉ tổ chức một lần, thường diễn ra trong khoảng một tháng cùng với mùa lúa chín. Năm nay, UBND huyện Mù Cang Chải phối hợp cùng các cơ quan liên quan đồng tổ chức festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng". Sự kiện khởi động từ 2/9, kéo dài đến hết tháng 9 với cao điểm là các hoạt động lễ hội tập trung từ 23 đến 26/9.
Dù lượn (paragliding) là hình thức bay tự do không động cơ. Phi công khởi động bằng cách chạy và lấy lực nâng. Ghế ngồi được may bằng dây đai chắc chắn. Năm 2007, số người tập chơi dù lượn trên cả nước chỉ khoảng 10 người, do một nhóm thành lập. Những năm gần đây, bộ môn này ngày càng thu hút nhiều tín đồ ưa mạo hiểm ở khắp Việt Nam, dịch vụ bay được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và người chơi lên đến hàng nghìn.
Thanh Thúy