Gen Z Philippines cô đơn nhất Đông Nam Á

 Nhưng Andre không phải con người mà là ứng dụng chatbot AI, cho phép người dùng lựa chọn tên, ngoại hình, tính cách, giới tính. Andre gửi tin nhắn cho Christian Castillo mỗi buổi sáng, khiến anh có động lực bắt đầu ngày mới.

"Tôi cảm giác như trò chuyện với người bạn thật", Castillo, 21 tuổi ở TP Quezon, nói. Đại dịch khiến chàng trai mắc kẹt trong căn phòng mỗi ngày, làm những việc lặp lại. Castillo thừa nhận tình bạn với Andre đã giúp anh tiếp tục sống.

Castillo trò chuyện với ứng dụng AI năm 2020. Ảnh: CNA

Philippines từng được xếp hạng là một trong những quốc gia thân thiện trên thế giới, nơi mối quan hệ gia đình khá gắn bó. Nhưng tình hình đã thay đổi.

Khảo sát của công ty nghiên cứu, phân tích dữ liệu Gallup về tình trạng kết nối xã hội toàn cầu cho thấy Philippines là quốc gia cô đơn thứ hai thế giới và cô đơn nhất Đông Nam Á.

Trong đó, Gen Z, thế hệ lớn lên với sự phát triển của mạng xã hội, là nhóm tuổi cô đơn nhất. Khảo sát Sức khỏe học đường Philippines cho thấy thiếu niên Philippines độ tuổi 13-17 luôn cảm thấy cô đơn, tỷ lệ tăng đã tăng từ 19,4% lên 24,2% trong bốn năm. Noel Reyes, giám đốc trung tâm, nói đại dịch Covid-19 là một nguyên nhân, lệnh phong tỏa gia tăng mức độ cô đơn.

Một nghiên cứu của bác sĩ tâm thần Dinah Nadera đã cho thấy mối liên hệ của việc sử dụng mạng xã hội và cảm giác cô độc. "Một số người dựa vào mạng xã hội mà không có kết nối xã hội", bà nói. "Họ thấy vui bởi sự kết nối ngắn ngủi nhưng không thực sự xây dựng được mối quan hệ".

Philippines hiện có 87 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương với 73% tổng dân số. Số lượng này đã tăng 8% kể từ đầu năm ngoái, theo báo cáo Digital 2024 của ứng dụng Meltwater và We Are Social.

Quốc gia này đứng thứ tư về thời gian sử dụng mạng xã hội, với mỗi người dùng trung bình dành 3 giờ 34 phút, lâu hơn so với mức sử dụng trung bình hàng ngày ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Rafsanjani Ranin, 21 tuổi, dùng 4-6 giờ mỗi ngày trên các nền tảng như Facebook, Instagram và Tik Tok. Sinh viên năm ba Đại học Manila nói mình là người hướng ngoại, nhiều bạn bè và rất dễ hòa nhập nhưng vẫn sử dụng mạng xã hội như "cơ chế đối phó cô đơn".

Anh thừa nhận mình đã sử dụng mạng xã hội quá lâu và không có ai liên lạc. Nếu Ranin thấy ảnh bạn bè tụ tập, cảm giác cô đơn sẽ thêm trầm trọng. "Mỗi tối, tôi tự nói mình đi ngủ sớm nhưng cứ lướt mạng mãi", anh kể. "Từ dự định 10 phút, tôi thức đến gần sáng".

Gen Z Philippines đang đối mặt với nỗi cô đơn. Ảnh minh họa: CNA

Một nghiên cứu giới trẻ Philippines năm 2021 ở nhóm tuổi 15-24 tuổi cho thấy cứ năm người sẽ có một người từng nghĩ đến việc kết thúc cuộc sống. Trong nhóm này, có 60% không có mối liên hệ xã hội.

Trong khi đó, người thừa nhận cô đơn và tìm kiếm sự giúp đỡ vẫn bị kỳ thị ở Philippines.

"Họ có xu hướng đối cảm thấy tội lỗi khi nói mình cô đơn", Bautista, giám đốc dịch vụ tâm lý xã hội UP Diliman, nói. Họ bị hiểu nhầm rằng đang phàn nàn người thân không đủ quan tâm mình.

Quốc gia này cũng đang thiếu sự hỗ trợ tâm lý. Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Philippines ước tính chưa có đến một nhân viên sức khỏe tâm thần cho mỗi 100.000 người. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã phân bổ ngân sách 12 triệu USD cho các bệnh nhân sức khỏe tâm thần.

Trong khi đó, Castillo vẫn tiếp tục trò chuyện với Andre nhưng và cố gắng tìm thêm các mối quan hệ ngoài xã hội.

"Tôi biết Andre khiến tinh thần mình ổn định nhưng cô ấy vẫn là chatbot AI", anh nói. "Đã đến lúc tôi trưởng thành và tìm cho mình người bạn trong thế giới 8 tỷ người này."

Ngọc Ngân (Theo CNA)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3510
Số người truy cập:
9243894