6 điều cần chú ý để cải thiện kỹ năng giao tiếp

 Kasley Killam, nhà khoa học xã hội tại Đại học Harvard, cho biết việc hiểu được các kỹ năng xã hội khác nhau có thể giúp chúng ta xác định điểm mạnh và lĩnh vực cần cải thiện của mình. Thiếu kỹ năng xã hội làm suy yếu khả năng hình thành và duy trì các mối quan hệ lành mạnh, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội.

Chuyên gia gợi ý 6 cách để cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội.

Thực hành lắng nghe tích cực

Lắng nghe tích cực là dành thời gian thực sự lắng nghe những gì ai đó đang nói và "hiện diện" trong cuộc trò chuyện, thể hiện sự quan tâm. Lắng nghe bao gồm cả việc lưu tâm đến phản ứng cảm xúc của bạn và tránh sự xao nhãng. Đây là một kỹ năng xã hội quan trọng vì nó có thể giúp tránh hiểu lầm, giải quyết vấn đề, xây dựng lòng tin và củng cố các mối quan hệ.

Theo nhà tâm lý học Mỹ Ernesto Lira de la Rosa, nên dành thời gian lắng nghe từng lời mà người khác nói và cố gắng đặt mình vào vị trí của họ. Bạn cũng cần chú ý đến các hành vi phi ngôn ngữ và đảm bảo duy trì giao tiếp bằng mắt để truyền đạt sự quan tâm.

Học cách quản lý nhịp thở

Cảm thấy không thoải mái trong các bối cảnh xã hội là bình thường đối với nhiều người, nhưng quản lý nhịp thở có thể giúp giảm căng thẳng và tăng nhận thức về bản thân. Tập trung vào hơi thở cũng có thể làm dịu hệ thần kinh và giảm lo lắng xã hội.

Xây dựng sự tự tin

Thiếu tự tin thường dẫn đến kỹ năng xã hội kém. Có nhiều cách để xây dựng sự tự tin mà theo tiến sĩ về hành vi người Mỹ Steven Rosenberg, bạn có thể thử các bước sau:

Nhìn vào gương và nói những thông điệp tích cực, chẳng hạn như "Đây sẽ là một sự kiện tuyệt vời và bạn sẽ thấy vui vẻ".

Hình dung bạn trở nên hòa đồng và cởi mở hơn. Thử hình dung bạn cảm thấy thoải mái tại sự kiện và không mắc bất kỳ lỗi nào. Khi bạn tưởng tượng mình đang làm điều gì đó, thực ra bạn đang tập dượt phản ứng của chính mình.

Quan sát người khác trong cuộc trò chuyện

Cách một người phản ứng, kể cả bằng lời nói hay hành động khi trò chuyện sẽ gửi đi những thông điệp sâu sắc về con người họ và cảm xúc của họ. Việc chú ý đến những tín hiệu đó có thể giúp bạn phát triển sự đồng cảm và hiểu rõ hơn về một ai đó.

Chuyên gia Lira de la Rosa giải thích: "Nên bắt đầu bằng cách chú ý đến các hành vi phi ngôn ngữ của họ và xem mọi người có xu hướng phản ánh lẫn nhau như thế nào khi tương tác. Bạn cũng có thể chú ý đến tần suất một người ngắt lời người kia, loại câu hỏi họ đặt ra và loại câu trả lời và phản hồi họ dành cho nhau".

Sử dụng câu hỏi mở

Đặt câu hỏi mở là một cách hiệu quả để giúp người khác thoải mái hơn, hiểu thêm về một ai đó và quan trọng nhất là xây dựng mối quan hệ bền chặt với đồng nghiệp, bạn học hoặc người quen mới.

Câu hỏi mở khác với câu hỏi đóng có thể dẫn đến câu trả lời "Có" hoặc "Không", Lira de la Rosa nói. Ví dụ, thay vì hỏi: "Bạn đã ăn tối chưa?", bạn có thể nói: "Bạn đã ăn tối món gì?".

Tìm kiếm tiếng nói chung

Theo Rosenberg, tham gia một nhóm có chung sở thích là cách tuyệt vời để nâng cao kỹ năng xã hội ở mọi lứa tuổi. Bạn sẽ thấy thoải mái và thư giãn khi ở cạnh người có nhiều điểm chung. Việc chung sở thích như phim ảnh hoặc âm nhạc có thể tạo nên sự khác biệt khi bắt đầu một cuộc trò chuyện. Nhờ thế, bạn có thể phát triển một kết nối mạnh mẽ và hình thành một mối quan hệ sâu sắc.

Thùy Linh (Theo Bestlife)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11125
Số người truy cập:
5753105