Thụy Điển muốn hợp tác phát triển công nghệ xanh tại Việt Nam

 Tại chuỗi sự kiện đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững do Đại sứ quán, Phòng thương mại và đầu tư Thụy Điển, UBND TP HCM và Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức chiều 2/6, các doanh nghiệp nước này đã giới thiệu nhiều công nghệ tái chế, phát triển bền vững sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp trong nước cùng phát triển.

Công ty Tera Park chuyên cung cấp nguyên liệu đóng gói đồ uống bằng gỗ đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội rừng thế giới (FSC). Gỗ được sản xuất đạt các tiêu chí của FSC và quan trọng hơn là có thể trồng mới, giảm khai thác rừng

bãi. Tera Park hiện cung cấp nguyên liệu đóng gói cho hơn 30 đối tác là các doanh nghiệp đồ uống tại Việt Nam. Trong chiến lược phát triển bền vững, ngoài cung cấp nguyên liệu, công ty này giới thiệu công nghệ tái chế hộp giấy thải bỏ từ đối tác của mình.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe (giữa) tham quan gian hàng giới thiệu công nghệ tái chế vỏ hộp giấy thành tấm lợp nhà của doanh nghiệp Thụy Điển, chiều 2/6. Ảnh: Hà An

Theo ông Tạ Bảo Long, đại diện Tera Park Việt Nam, hiện trong nước có 3 doanh nghiệp là đối tác tái chế vỏ đồ uống. Hộp giấy sau khi sử dụng được tách thành 3 phần gồm: giấy, màng polymer, màng nhôm. Giấy được xay nhỏ, tái chế thành tập vở; màng nhôm và màng polymer được ép thành các tấm lợp nhà có độ bền trên 10 năm, chống tiếng ồn.

"Chúng tôi sẵn sàng giới thiệu đến đối tác công nghệ tái chế vỏ giấy nếu như các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu để có nhiều hơn doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, với việc này doanh nghiệp cần có tầm nhìn mang tính lâu dài, có cam kết rõ ràng vì để đầu tư công nghệ tái chế chi phí có thể lên tới cả triệu USD", ông Long nói.

Chuyên về lĩnh vực thời trang, công ty H&M (Thụy Điển) giới thiệu công nghệ tái chế các loại vải cũ từ áo quần, kéo thành sợi thành các bộ đồ mới. Công ty này còn sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra sợi làm thành những bộ trang phục mới không thua kém đồ sản xuất thông thường.

Những bộ đầm làm từ vật liệu vải tái chế của công ty H&M Thụy Điển. Ảnh: Hà An

Tại sự kiện các doanh nghiệp Thụy Điển giới thiệu công nghệ sản xuất thép sử dụng nguyên liệu hydrogen thay thế cho than, công nghệ sản xuất xe điện, vật liệu nano thay thế nhựa...

Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, Thụy Điển có kinh nghiệm, công nghệ cho các giải pháp xanh, phát triển bền vững. "Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện cho hai nước cùng sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội đóng góp những ý tưởng cho các giải pháp xanh", bà Mawe nói.

Về phía TP HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, việc tổ chức sự kiện góp phần nâng cao nhân thức về phát triển bền vững, giới thiệu công nghệ tiên tiến, tạo kết nối mới giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước. "Tôi mong muốn thời gian tới TP HCM và Thụy Điển có những chương trình, dự án đầu tư cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề bức bách thành phố đang đối mặt, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp", ông Hoan nói.

Hà An


Giày Đại Phát solution
Số người online:
33544
Số người truy cập:
8550466