Thiết bị gia dụng cho tương lai

 

Đến năm 2050, trong mỗi 4 người thì có đến 3 người trên hành tinh xanh sẽ sống tại những khu đô thị chật chội đông đúc, theo ước tính của LHQ. Lúc đó chẳng còn có chỗ đâu cho phần sân sau, may mắn lắm thì chỉ còn đủ chỗ cho căn bếp, hoặc phòng giặt.

Trước viễn cảnh chẳng mấy hào hứng trên, các nhà tổ chức cuộc thi Electrolux Design Lab đã yêu cầu những nhà thiết kế trẻ tuổi hãy đưa ra các ý tưởng theo tiêu chí tiết kiệm không gian, những thiết bị tận dụng được các công nghệ mới nhất.

Từ nhà bếp hiện thực ảo, nơi bạn chỉ cần suy nghĩ là đã có robot chuẩn bị thức ăn sẵn sàng, đến thiết bị kết hợp giữa máy giặt quần áo không cần nước và tủ quần áo. Kết quả cuộc thi hết sức hấp dẫn.

"Chúng tôi không muốn sao chép những vật dụng đã tồn tại, mà phải dựa trên căn bản của công nghệ hướng về tương lai”, Tom Astin, người đại diện cho nhà sản xuất đồ gia dụng xa xỉ có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) nói.

Sau đây là một số mẫu lọt vào vòng chung kết:

Nhà bếp hiện thực ảo

Thí sinh 21 tuổi Daniel Dobrogorsky đến từ Melbourne (Úc) đã lấy ý tưởng từ những bộ phim khoa học viễn tưởng như The MatrixAvatar và Inception để tạo nên thiết kế độc nhất vô nhị, đó là nhà bếp ẩn.

Sau một ngày làm việc mệt nhọc, người sử dụng trở về căn hộ bé tí. Khi đói bụng, họ sẽ đội lên đầu chiếc mũ đặc biệt, lục tìm tủ lạnh và bắt đầu nấu nướng trên vỉ lò không hề tồn tại trong thực tế.

Sóng não sẽ phản ứng với những hình ảnh đại diện, hoặc mùi của thức ăn và chuyển toàn bộ thông tin này xuống một nhà bếp công cộng khổng lồ ở dưới nhà.

Sau khi nhận xong dữ liệu, các robot sẽ nấu nướng và nêm nếm gia vị thật, rồi chuyển sản phẩm hoàn chỉnh lên tận cửa phòng bạn.

Một vấn đề nhỏ nhưng không kém phần quan trọng được nêu lên khi Dobrogorsky trình bày thiết kế của mình: ai sẽ là người rửa chén? Chắc lại là một loại robot khác.

 


Toàn bộ dụng cụ cho một nhà bếp ảo

 

Tủ áo sạch sẽ

Khi người sử dụng treo quần áo vào từng phần riêng biệt như hình bên dưới, thiết bị cảm biến sẽ được kích hoạt để kiểm tra xem quần áo dơ hay sạch, và sau đó công nghệ phân tử sẽ được áp dụng để tẩy bỏ bụi bẩn cũng như mùi thân thể khó chịu khỏi quần áo.

Sinh viên thiết kế người Thụy Điển Michael Edenius cho hay tủ quần áo sạch của mình vừa tiết kiệm được không gian và nước, vừa thân thiện với môi trường.

Việc kết hợp tủ áo và máy giặt là nhằm hạn chế số quần áo cần mặc vì chúng được giặt sạch sẽ ngay sau khi mặc. Tất nhiên lý luận này không áp dụng cho phái đẹp.

 

 
Tủ áo kết hợp máy giặt

 

Nhà bếp Modular

Michael Gilbride, người Mỹ, từng là nhân viên tình nguyện của tổ chức Hòa Bình và là nhà địa chất học trước khi bước chân vào lĩnh vực thiết kế công nghiệp.

Bài dự thi của anh là một nhà bếp “nén”, lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên, cụ thể là tổ ong.

“Tôi muốn nhà bếp của mình dễ được xếp chồng và tiện dụng cho những người không có nhiều tiền”, theo Gilbride, hiện là sinh viên cao học tại Đại học bang North Carolina (Mỹ).

Căn bếp mà Gilbride thiết kế nhìn giống như kệ trưng bày đồ ở phòng khách hơn là nơi nấu nướng. Nó bao gồm lò nấu, làm lạnh, tủ lạnh và điều hòa, vốn được sắp xếp rất ăn ý với nhau.

Bếp Modular sử dụng năng lượng mặt trời từ hệ thống kết nối không dây và nấu bằng điện cảm ứng chứ không phải nung nóng bằng điện.

Nếu muốn, từng người vẫn có thể sắp xếp lại gian bếp của mình vì bếp Modular xây dựng trên một hệ thống thông minh.

 

 
Bếp nhiều tầng

 

Tủ lạnh robot-sinh học

Có kích thước nhỏ hơn tủ lạnh tiêu chuẩn đến 4 lần, tủ lạnh robot-sinh học sử dụng một loại gel đặc biệt bao bọc xung quanh từng loại thực phẩm riêng biệt để giữ chúng được lạnh.

Tủ lạnh này không hề có cửa hoặc ngăn chứa riêng biệt, do đó thức ăn của bạn được treo lơ lửng trong một hợp chất giống như thạch nhưng không có mùi vị.

Nhà thiết kế người Nga Yuriy Dmitriev tiết lộ anh đã bị ảnh hưởng bởi những ngôi nhà trên cây trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng The Houses if Izm của tác giả Jack Vance xuất bản vào năm 1954.

 

 
Với tủ lạnh này, người sử dụng luôn quan sát được thực phẩm treo lơ lửng bên trong

 

"Ốc sên"

Và người thắng cuộc là Peter Alwin, một sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp đến từ Ấn Độ. Bài thi của anh là lò nấu và đốt nóng xách tay, tên là Snail (tiếng Việt gọi là ốc sên).

Với kích thước nhỏ gọn và tính đa dụng của thiết bị này, Snail có thể được gắn lên bất cứ vật chứa nào, như lò lẩu, chảo hoặc ca nước để nung nóng phần thực phẩm bên trong.

Được cung cấp năng lượng bằng pin tinh thể đường, Snail chuyển đổi năng lượng từ đường để đun nóng phần ống xoắn và từ đó thực hiện quá trình cảm ứng từ bên trong lò nấu.

Các cảm biến bên trong lò xác định loại thực phẩm cần nấu nướng và tự động điều chỉnh thời gian cũng như nhiệt độ. Người sử dụng chỉ cần theo dõi tiến trình trên qua màn hình chạm trên thân Snail.

Giải nhất của cuộc thi này gồm số tiền 5.000 euro và 6 tháng thực tập tại trung tâm thiết kế toàn cầu của Electrolux.

 

 
"Ốc sên” đa năng

 

Hạo Nhiên
(Ảnh: Electroluxdesignlab.com)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
43522
Số người truy cập:
7524685