Hình minh họa một thiên thạch bay ngang qua Trái đất. Ảnh: howstuffworks.com. |
Thiên thạch được đặt tên là 2009 DD45 có đường kính khoảng 21 đến 47 mét, bay qua hành tinh của chúng ta vào 13h44 ngày 2/3 theo giờ GMT (6h44 theo giờ Hà Nội). Khoảng cách giữa nó với trái đất xấp xỉ 72.000 km, bằng 1/5 khoảng cách giữa địa cầu và mặt trăng.
Các nhà khoa học thuộc Siding Spring Survey, chương trình tìm kiếm vật thể gần trái đất tại Australia, nhìn thấy nó từ ngày 29/2. Sau đó Trung tâm Tiểu hành tinh của Hiệp hội Thiên văn quốc tế đã xác nhận sự hiện diện của thiên thạch và xếp nó vào các vật thể thuộc hệ mặt trời.
Theo dữ liệu của Trung tâm Tiểu hành tinh, trước khi 2009 DD45 xuất hiện thì vật thể bay sát trái đất nhất là một thiên thạch có đường kính khoảng 6 mét. Nó cách hành tinh của chúng ta chừng 6.500 km vào tháng 3/2004.
Vào năm 1908, một thiên thạch có kích thước tương đương 2009 DD45 đã nổ tung trên bầu trời vùng Siberia thuộc Nga. Với sức công phá bằng 1.000 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945, nó đốn ngã 80 triệu cây trong một khu vực có diện tích 2.000 km vuông gần sông Tunguska.
Nhiều chuyên gia khẳng đinh các thiên thạch có kích thước xấp xỉ 2009 DD45 có thể tạo ra sức công phá tương đương 15 triệu tấn thuốc nổ TNT nếu chúng va vào hành tinh xanh. Tuy nhiên, mức độ hủy diệt của 2009 DD45 còn phụ thuộc vào loại vật chất tạo nên nó và góc nghiêng giữa đường bay của nó và mặt đất.
Việt Linh (theo BBC)