Tên lửa tái sử dụng hoạt động giống máy bay

 Thiết kế phần chóp hình cánh hoa của tên lửa Neutron. Ảnh: Rocket Lab

Thiết kế phần chóp hình cánh hoa của tên lửa Neutron. Ảnh: Rocket Lab

Peter Beck, giám đốc điều hành Rocket Lab, công bố chi tiết thiết kế của tên lửa đẩy cỡ vừa mới, tên lửa Neutron, hôm 2/12. Phương tiện sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2024. Được giới thiệu lần đầu hồi tháng 3/2021, Neutron sẽ bao gồm hai tầng đẩy. Tầng đầu tiên trang bị nắp chụp khoang hàng 4 cánh có thể mở ra trên quỹ đạo giống một bông hoa để giải phóng tầng thứ hai chở hàng hóa. Toàn bộ tầng đầu tiên, bao gồm nắp chụp, được thiết kế để tái sử dụng hoàn toàn và tái phóng gần như ngay lập tức. Tầng thứ hai dùng để đưa hàng hóa lên quỹ đạo mục tiêu hiện nay chỉ dùng được một lần.

Theo Beck, Neutron sẽ hoạt động giống máy bay hơn là tên lửa và đòi hỏi thời gian bảo dưỡng tối thiểu giữa các lần bay. "Đây là phương tiện phóng tái sử dụng, có nghĩa nó sẽ hạ cánh. Neutron cần chân đáp để hạ cánh như phương tiện Falcon 9, Falcon Heavy và Starship của SpaceX. Việc đưa phương tiện trở lại bãi phóng mà không cần sà lan tốn kém cũng rất quan trọng", Beck cho biết.

Tên lửa Neutron in 3D bằng sợi carbon sẽ sở hữu động cơ mới mang tên Archimedes, sử dụng kết hợp methane và oxy lỏng, một trong những hỗn hợp nhiên liệu tên lửa bền vững nhất, theo các nhà khoa học chuyên về lực đẩy tên lửa. Bảy động cơ Archimedes, mỗi động cơ có công suất một meganewton sẽ cung cấp lực đẩy cho tầng đầu tiên của tên lửa Neutron. Tầng thứ hai sẽ hoạt động nhờ một động cơ Archimedes. Sự kết hợp giữa sợi carbon siêu nhẹ và thiết kế phần thân tối ưu về mặt khí động sẽ cho phép Rocket Lab giảm trọng lượng tên lửa.

Theo Rocket Lab, kết cấu bằng hợp chất carbon siêu nhẹ của Neutron có nghĩa Archimedes không cần hiệu suất cực mạnh và độ phức tạp như những hệ thống tên lửa lớn hơn. Thông qua phát triển một động cơ đáp ứng yêu cầu vận hành khiêm tốn, lịch trình phát triển và thử nghiệm sẽ được đẩy nhanh đáng kể.

Cả phần thân và động cơ tên lửa đều được in 3D, sử dụng kỹ thuật gọi là thay thế sợi tự động, có thể sản xuất toàn bộ động cơ trong vòng một ngày. Tên lửa Neutron cao 40 m và có phần đế đường kính 7 m, mỗi tên lửa đẩy nặng 490 tấn khi phóng. Tên lửa này có thể phóng 8 tấn hàng hóa lên quỹ đạo thấp cách mặt đất 1.000 km ở chế độ tái sử dụng. Rocket Lab cũng cho biết tên lửa có thể chở người và hàng hóa lên Mặt Trăng và sao Hỏa, trọng lượng tối đa cho chuyến bay tới Mặt Trăng là 2.200 kg. Tên lửa đầu tiên của Rocket Lab là phương tiện dùng một lần Electron, chuyên chở hàng hóa nhỏ (300 kg).

An Khang (Theo Space)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
98765
Số người truy cập:
7357753