Sự thật bất ngờ về quái thú hút máu gia súc

 

Xác một con chó hoang mắc bệnh ghẻ. Ảnh: Discovery.

Discovery cho biết, những câu chuyện thần bí về chupacabras – nghĩa là “con vật hút máu dê” trong tiếng Tây Ban Nha – bắt đầu sau khi người dân phát hiện những xác cừu với ba lỗ thủng khá sâu ở ngực tại Puerto Rico và Mexico vào năm 1995. Những lỗ thủng ấy khiến máu của các con vật chảy hết ra ngoài.

Xác gia súc với lỗ thủng trên thân tiếp tục được tìm thấy ở nhiều nơi tại châu Mỹ như Chile, Argentina, Nicaragua và Mỹ. Thậm chí người ta còn thấy hiện tượng tương tự ở những nước bên ngoài châu Mỹ như Nga, Ukraina, Tây Ban Nha. Nhiều người khẳng định họ nhìn thấy những con vật kỳ quái có hình thù giống chó, chuột hoặc động vật bò sát – với mũi dài, răng nanh lớn, bộ long màu đen hoặc xanh xám và có mùi khó chịu.

Dư luận cho rằng những con vật kỳ quái đó đã giết chết gia súc. Thậm chí nhiều người ở châu Mỹ Latinh còn phỏng đoán “quái thú” chupacabra là sản phẩm ngoài ý muốn của một công trình khoa học bí mật được thực hiện trong rừng của Puerto Rico. Người ta cho rằng chúng dùng răng nanh để chọc vào cơ thể con mồi và hút máu.

Nhà sinh học Barry Oconnor của Đại học Michigan tại Mỹ cùng các đồng nghiệp đã tìm hiểu chupacabra trong nhiều năm. Sau khi xâu chuỗi các bằng chứng dựa trên cơ sở khoa học, ông kết luận chupacabra chính là những con chó hoang mắc bệnh ghẻ lở. Thủ phạm gây bệnh ghẻ lở của chó là những con bét.

Khi những con bét đậu trên cơ thể chó hoang, chúng gây tình trạng viêm nhiễm da khiến da của chó trở nên dày hơn, đồng thời nhiều vết lở loét xuất hiện trên da chó. Sự viêm nhiễm khiến máu không thể tới được các nang lông, vì thế lông rụng dần. Trong những trường hợp nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào da và gây viêm nhiễm thứ cấp. Những vết viêm nhiễm của vi khuẩn tạo nên mùi hôi thối.

Nhưng tại sao chó hoang tấn công gia súc?

“Do chó hoang mắc bệnh ghẻ rất yếu nên chúng gặp khó khăn trong hoạt động săn mồi. Vì thế nhiều con buộc phải tấn công gia súc vì chúng là mục tiêu dễ bị hạ gục hơn so với thỏ rừng hay hươu”, Oconnor giải thích.

Chó hoang không phải loài duy nhất mắc bệnh ghẻ. Nhiều loài động vật khác, như sóc, cũng bị bét tấn công. Tại Mỹ, sóc thường xuyên lảng vảng trên những con đường gần rừng. Những con sóc bị ghẻ rất yếu nên chúng thường bị ô tô cán chết do không đủ sức để chạy thoát mỗi khi ô tô lao tới.

Minh Long


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14303
Số người truy cập:
7492442