Sinh viên chế tạo viên nén từ bã cà phê làm chất đốt

 Dự án Coffuel do Nguyễn Xuân Bảo, Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng nhóm bạn Phạm Minh Long Hải, Bùi Nguyễn Khánh Linh, Nguyễn Minh Anh thực hiện.

Viên nén sinh khối từ bã cafe.

Bảo kể, ý tưởng về loại phụ phẩm nông nghiệp nhen nhóm trong chuyến đi thăm vườn cafe ở Đăk Lăk, nhận thấy "có quá ít giá trị từ cây cafe được tận dụng". Tháng 2/2022, nhóm bắt đầu tìm kiếm giải pháp khai thác nguồn năng lượng từ bã cà phê.

Nhóm thu gom bã từ các nhà máy chế biến cà phê và mùn cưa từ xưởng sản xuất đồ gỗ. Bã cà phê được đem xử lý mùi, loại bỏ một phần tinh dầu thừa và các vụn không đạt chuẩn kích thước. Mùn cưa được sàng lọc để phù hợp về kích thước, độ sạch và độ ẩm. Nguyên liệu được đưa vào hệ thống sấy trục buồng quay công nghiệp để đưa về độ ẩm khoảng 8-10%.

Sau giai đoạn sấy là quá trình phối trộn tỷ lệ 50 - 55% bã cà phê, 42 - 44% mùn cưa, đem gia nhiệt để hỗn hợp giữ được độ ẩm phù hợp, tránh ẩm mốc. Nhiệt độ duy trì mức 75 - 80 độ nhằm làm chảy hợp chất tannin trong bã cà phê, kết hợp với hàm lượng cao lignin của mùn cưa sẽ hình thành chất kết dính tự nhiên.

Ở bước cuối, nguyên liệu sẽ qua quá trình ép áp suất lớn và ép viên với khuôn ép đầu ra, áp lực ép được tinh chỉnh theo dạng viên nén dạng công nghiệp hoặc viên nén sử dụng dân dụng.

"Viên nén mang hiệu năng bằng 120% so với viên nén gỗ và tro đốt giảm đến 90% so với than đá truyền thống", Phạm Minh Long Hải, thành viên nhóm cho biết.

Dự án Coffuel giành giải Quán quân cuộc thi Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp công nghệ HUST (Techstart 2023).

Dự án Coffuel giành giải quán quân trong cuộc thi về khởi nghiệp công nghệ.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá cao ý tưởng, đưa ra các giải pháp có lợi cho cộng đồng. Đây cũng là hướng nghiên cứu triển vọng đưa sản phẩm thương mại hóa.

Như Quỳnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6819
Số người truy cập:
9248979