Siêu thị khuyến mãi giảm áp lực tăng giá

 Tại các hệ thống siêu thị ở TP HCM, khách hàng ngày càng hạn chế mua sắm, một số chọn cách mua sỉ với số lượng lớn chứ không mua lẻ như trước đây.

Thay vì một tuần đi siêu thị một lần, nay chị Hoa (Quận Gò Vấp, TP HCM) dè sẻn hơn trong chi tiêu và nửa tháng mới ghé các hệ thống này một lần, thậm chí có đợt cả tháng. "Mọi thứ đều tăng nên tôi chọn cách ra các đại lý mua sỉ dùng lâu dài để giảm chi phí", chị Hoa nói.

Tương tự, chị Oanh ở Tân Bình vừa mua luôn số lượng lớn hàng hoá khô, gia vị cho cả 3 tháng. "Trước đây tuần nào cũng đi siêu thị, nay tôi chỉ đi khi cần thiết", chị Oanh cho biết.

Siêu thị Big C tại TP HCM treo biển khuyến mãi ngay cửa ra vào hệ thống. Ảnh: Hồng Châu

Nhìn nhận sức mua năm nay yếu hơn năm ngoái, nhân viên tại hệ thống siêu thị trên đường Quang Trung kể, nếu năm ngoái siêu thị có 8 quầy thanh toán thì nay chỉ khoảng 3 quầy mở là đủ.

"Ngoài yếu tố dịch bệnh, giá hàng hoá tăng cao cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu và mua sắm tằn tiện hơn", nhân viên hệ thống này nói.

Khảo sát hôm 15/3 của VnExpress với 9 loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho thấy, ngoại trừ giá thịt heo giảm, giá gạo tăng nhẹ, còn lại đều tăng mạnh trên hai chữ số so với một năm trước đây.

Để kích cầu sức mua và giảm bớt áp lực tăng giá, các hệ thống siêu thị cùng các đối tác cung ứng đã cân đối mức giá bán ra để thực hiện khuyến mãi.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho siêu thị đã thương lượng giá hàng ngày với các đối tác, dù bản thân các nhà cung cấp này cũng đang gặp nhiều áp lực từ việc giá xăng tăng.

Trong khung giờ đầu buổi sáng (tới 10h), từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần, siêu thị này đang giảm giá đến 50% với 390 sản phẩm gồm, thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang; giảm 10% với toàn bộ sản phẩm thịt lợn; 30% với rau ăn lá.

Còn Co.opmart cũng đã phối hợp cùng các nhãn hàng Cholimex, Maggi, Simply, Neptune, Chin Su, Knorr, Liên Thành... giảm giá từ nay đến hết tháng 3 cho hơn 3.000 sản phẩm thiết yếu.

"Sau tháng 3, sẽ có tiếp chương trình giảm mới trong tháng tư", đại diện Saigon Co.op nói.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở TP HCM chiều ngày 18/3. Ảnh: Hồng Châu

Tại MM Mega Market quận Gò Vấp, dầu ăn giảm 35.000 đồng cho bình 5 lít, các loại nước tương nước mắm giảm 1.000-4.000 đồng một chai. Các loại thủy hải sản, thịt bò rẻ hơn khoảng 5%, trái cây hạ giá tới 30%, quần áo và đồ gia dụng giảm tới 50%.

Tương tự, tại Big C, Top Market hay các hệ thống của Saigon Co.op, thịt bò, cánh gà, trái cây cũng giảm 10-30%. Trong đó, bắp bò Australia đông lạnh loại một kg tại Big C giảm từ 270.000 đồng xuống 200.000 đồng một kg, cánh gà 50.000 đồng hộp 5 cánh giảm còn 40.000-42.000 đồng, cam Ai Cập giảm 10.000 đồng mỗi kg còn 50.000 đồng...

Các mặt hàng giảm 15% đến 50% là dầu ăn, tương ớt, nước tương, nước mắm, đường, gạo, mì gói, hạt nêm, thực phẩm tươi sống. Rau củ quả và trái cây cũng rẻ hơn đến 20%, gồm: bầu, cà rốt Đà Lạt, cải thìa, ớt chuông các loại, cà chua, cải lo lo xanh, rau muống, cam sành, thanh long, chuối sứ, bưởi da xanh...

Sau 2 ngày khuyến mại, các hệ thống cho biết, lượng khách tới siêu thị đã tăng nhẹ. Đặc biệt, khách hàng đã gom mua nhiều thực phẩm và trái cây hơn so với tuần trước đó.

Chị Linh, một nhân viên truyền thông ở quận 12 kể, một nửa trong 12 món hàng mà chị mua được giảm giá. Trong đó, trái cây và dầu ăn, tương ớt, quần áo được giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, theo chị, giá các sản phẩm đường, sữa vẫn cao.

Không riêng hai loại này, nhiều nhóm hàng khác cũng khó giảm giá. Hoặc như bia, sản phẩm khuyến mãi đa phần là dòng ít được khách ưa chuộng. Với nhóm thịt heo, các sản phẩm khuyến mãi đa phần là thịt xay. Loại ba chỉ, giò heo hiếm khi được giảm giá do loại này thường bán hết từ sớm.

Riêng với nhóm gia vị, hầu hết siêu thị chỉ giảm 3-5% giá, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trước đó.

Về việc khó có thể giảm giá tối đa các mặt hàng, lãnh đạo một chuỗi siêu thị ở TP HCM lý giải, họ cũng đang chịu áp lực chi phí khá cao từ mặt bằng, nhân công, phòng dịch... Đặc biệt, có những doanh nghiệp phân phối vẫn đang phải gánh lỗ nên mức giảm trên "đã là quá sức" với họ.

"Nếu tính toán trên giá thành, siêu thị và nhà phân phối khi khuyến mãi đang chia sẻ 50% áp lực tăng giá cho người tiêu dùng. Đây cũng là mức giúp họ bớt áp lực tăng giá đột ngột lúc này", vị này nói thêm.

Thi Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2767
Số người truy cập:
8993908