Từ cột mốc 30 năm, giới sân khấu TP.HCM đã nhìn lại quá trình phát triển và hướng tới tương lai…
Hôm nay, 11-10-2012, kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu, 30 năm ngày thành lập Hội Sân khấu TP.HCM và Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ ba, các sân khấu TP dù có khó khăn nhưng cũng đang cố gắng xây dựng những dự án mới. Hiện sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh đang chuẩn bị ra mắt vở Tình nhân đến với tình nhân do diễn viên trẻ Lương Duyên dàn dựng. Tình nhân đến với tình nhân được Việt hóa từ kịch bản Nhà tắm muôn năm của hai tác giả E.Braghinski - E.Riazanop. Năm 1989, đạo diễn Trần Minh Ngọc đã dịch sang tiếng Việt và dàn dựng thành vở kịch Số phận trớ trêu rất nổi tiếng ở sân khấu 5B. Lần này kịch bản được Trần Khiết viết lại và dựng mới.
Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B đã nỗ lực cho ra mắt Câu lạc bộ Diễn viên trẻ 5B vào tháng 9-2012. Câu lạc bộ quy tụ 80 đạo diễn, diễn viên trẻ đã hoặc sắp tốt nghiệp các trường sân khấu và nhóm tác giả trẻ thuộc chi hội tác giả Hội Sân khấu TP.HCM, giúp các bạn này có cơ hội thử sức với nghề. Đây là cách xoay xở nhằm tạo nguồn nhân lực kế thừa. Ba đoàn của Nhà hát Trần Hữu Trang và các nhóm cải lương xã hội hóa đang chuẩn bị vở tham dự Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 20-10 tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Vở diễn lịch sử Bí mật vườn Lệ Chigây được tiếng vang lớn về nghệ thuật trong công chúng và giới làm nghề ở sân khấu tư nhân Kịch IDÉCAF. Ảnh: HÒA BÌNH
Nghệ sĩ Sài Gòn lấn khó mà làm!
Nhìn lại chặng đường đã qua, hầu hết nghệ sĩ đều phấn khởi song vẫn còn đó những băn khoăn. Nói về cái được của sân khấu trong 30 năm qua, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu Kịch IDÉCAF khẳng định: “Chủ trương xã hội hóa sân khấu là vô cùng đúng đắn. Với tính năng động của nghệ sĩ Sài Gòn, các sân khấu xã hội hóa Kịch 5B, Kịch IDÉCAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Hoàng Thái Thanh… đã ra đời và hoạt động sôi nổi. Giới sân khấu đã lấn vào cái khó mà làm, bứt phá đi lên”. NSNDHồng Vân, Giám đốc sân khấu Kịch Phú Nhuận, cũng đồng tình về bước trưởng thành này: “Nhớ lại cái thời mới sau 1975, những diễn viên như tôi còn rón rén, rụt rè xin vào xem các suất diễn của những đoàn kịch ngoài Hà Nội. Bây giờ đã khác, sân khấu phía Bắc dù được bao cấp nhưng vẫn hoạt động cầm chừng, sân khấu phía Nam đã là một địa chỉ đỏ của cả nước để khán giả tìm đến”. Cũng đánh giá cao về thành công của xã hội hóa sân khấu nhưng đạo diễn Ái Như, Giám đốc Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, đặt ra hệ lụy đáng lo: “Các sân khấu xã hội hóa là một thành công. Nhưng tất cả sân khấu này, kể cả 5B thuộc Hội Sân khấu TP.HCM, đều phải tự lực cánh sinh nên muốn sống được đã là rất khó khăn. Nếu chỉ sống ở mức khó khăn thì làm sao đòi hỏi sống khỏe hay thăng hoa được. Nghệ sĩ dù có yêu nghề, cố gắng tả xung hữu đột để hoạt động nghệ thuật nhưng trong cái vòng xoáy khắc nghiệt của thị trường, chỉ đơn độc một mình sẽ đến lúc chúng tôi kiệt sức”.
Cần hỗ trợ để phát triển
Ông Hoàng Anh Tuấn cũng đồng tình: “Sân khấu xã hội hóa còn mang những nhược điểm do phải tự bươn chải kinh tế để tồn tại. Những nhược điểm này sẽ giảm đi rất nhiều nếu được Nhà nước quan tâm như: xét tài trợ cho dự án mang lại hiệu quả nghệ thuật và xã hội cao mà không phân biệt Nhà nước hay tư nhân. Hay xây những sân khấu biểu diễn cho các đơn vị xã hội hóa thuê dài hạn vì chẳng tư nhân nào đủ tiền xây nhà hát… Được như thế, sân khấu xã hội hóa sẽ còn đóng góp cho xã hội nhiều hơn nữa, sẵn sàng đáp ứng luôn các nhiệm vụ của các sân khấu”. NSND Hồng Vân cũng đặt vấn đề: “Tôi vừa hãnh diện về sân khấu TP.HCM nhưng cũng rất lo lắng về tương lai của nó. 30 năm qua sân khấu TP.HCM vẫn ăn nhờ ở đậu, các đoàn không có nhà hát, không có sân khấu để diễn, phải thuê mướn hội trường các trung tâm văn hóa làm điểm diễn. Nếu thành phố không có hành động cụ thể hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các đơn vị sân khấu để duy trì những thành quả đạt được, địa chỉ đỏ của sân khấu thành phố trước sau gì cũng mất đi hay chuyển sang một nơi khác”.
Cải lương quẫy cựa lôi kéo công chúng trẻ
Ai cũng biết 30 năm qua cải lương càng ngày càng khó. Có những nghệ sĩ hết lòng yêu cải lương đổ tiền bạc, công sức ra tạo dựng cho bộ môn này nhưng rồi vẫn không duy trì được lâu. Đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - Thắp Sáng Niềm Tin của chúng tôi suốt tám năm qua vẫn vậy, cũng rất khó khăn để duy trì hoạt động. Chúng tôi nhận ra: Muốn duy trì cải lương không chỉ cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, của các mạnh thường quân, mà tự cải lương phải kéo được một lớp khán giả mới.
Có một tín hiệu đáng mừng là gần đây chúng tôi đẩy mạnh việc bán vé qua mạng: mua qua mạng giảm 20%, sinh viên được giảm giá vé 50% nhờ đó lượng vé bán được tăng lên gấp bốn lần. Ngoài ra, chúng tôi còn kết nối các bạn trẻ yêu cải lương qua trang web, Facebook của nhà hát hay cá nhân nghệ sĩ. Chúng tôi tổ chức các hoạt động xã hội mời các bạn cùng tham gia, tổ chức offline gặp mặt lắng nghe ý kiến, được bạn trẻ hưởng ứng rất đông. Chính những thành viên này sẽ lôi cuốn, vận động khán giả đến với cải lương dễ dàng và hiệu quả hơn”
Đạo diễn QUỐC KIỆT, Phó Đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - Thắp Sáng Niềm Tin
"Tôi mong muốn được Nhà nước giao một rạp hát trong trung tâm Sài Gòn như rạp Công Nhân mà Nhà hát Kịch TP.HCM đang hoạt động. Được như vậy tôi sẽ khuếch trương uy tín, tên tuổi kịch TP.HCM vang xa, vang rộng trong phạm vi cả nước. Khi đó, cần thì Nhà nước cứ giao nhiệm vụ dựng vở chính trị-nghệ thuật cho đơn vị của tôi như giao nhiệm vụ cho Nhà hát Kịch TP.HCM" - ông bầu Kịch IDÉCAF Huỳnh Anh Tuấn.
“Tôi ấp ủ mơ ước hội tụ lại đầy đủ những nghệ sĩ thế hệ của tôi - vốn được gọi là thế hệ vàng của kịch nói TP.HCM - cùng nhau diễn chung một vở diễn tại một địa điểm trang trọng như Nhà hát TP.HCM hay Nhà hát Hòa Bình. Lúc đó chắc là không chỉ nghệ sĩ chúng tôi vui, mà khán giả cũng sẽ rất ủng hộ” - NSƯT Hữu Châu.
“Tôi ước sao có một mạnh thường quân giúp đỡ nhóm cải lương Đồng ấu Bạch Long có sân khấu để diễn hằng đêm. Tôi ước sao khán giả đến với cải lương được đông đảo như ngày xưa” - nghệ sĩ Bạch Long.
Theo PhapLuatTP