Thế hệ phụ huynh thích can thiệp

 Nữ sinh viên năm hai sống ở Colorado cần mẹ định hướng mối quan hệ bạn bè và hẹn hò. Bà Adriana Goericke cũng ý thức được vai trò làm mẹ của mình. "Tôi cố gắng không kiểm soát con bé mà chỉ ở cạnh khi nó cần", bà nói.

Mia Goericke nhận ra bạn bè không thể giúp cô giải quyết vấn đề hay đưa ra quyết định cuộc sống nhưng mẹ thì có. "Mẹ thường hỏi và cố gắng hiểu các mục tiêu của tôi thay vì chỉ nói tôi phải làm gì", Mia kể. "Đó là những điều tuyệt vời mà tôi nhận được từ bà".

Nếu thế hệ baby boomers ở Mỹ có lý tưởng người trên 18 tuổi phải sống độc lập thì các thế hệ sau đã minh chứng ngược lại. Bố mẹ thường xuyên tham gia vào cuộc sống của con cái trưởng thành.

Trung tâm nghiên cứu Pew ở Washington, Mỹ đã thực hiện hai cuộc khảo sát ở người độ tuổi 18-34 và bố mẹ của họ. Kết quả cho thấy phần lớn phụ huynh đều can thiệp vào cuộc sống của con mình bằng cách nhắn tin thường xuyên, đưa lời khuyên hoặc hỗ trợ tài chính.

Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn lành mạnh và hạnh phúc.

Có 9 trong 10 phụ huynh đánh giá mối quan hệ với các con đã trưởng thành của họ là tốt và 8 trong 10 người trưởng thành có nhận xét tương tự với bố mẹ. Kết quả khảo sát nhất quán với mọi tầng lớp và thu nhập trong xã hội. Có 8 trong 10 phụ huynh nói họ cảm thấy tự hào và có hy vọng về cách sống của con cái thay vì lo âu.

Giáo sư Karen Fingerman thuộc Đại học Texas, người nghiên cứu về mối quan hệ của người trưởng thành và gia đình cho biết họ là những phụ huynh Gen X có kinh nghiệm sống.

Dữ liệu của Pew cũng cho thấy Gen Z đang phụ thuộc nhiều hơn vào bố mẹ, nhắn tin hỏi ý kiến phụ huynh trong khi các thế hệ trước tự giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, sự thay đổi này không hoàn toàn tiêu cực. Mối quan hệ không khiến họ bị trì hoãn việc sống độc lập hay đạt được các cột mốc trong đời.

Giáo sư Fingerman cho rằng sự thân thiết giữa bố mẹ và con cái đã bảo vệ họ khỏi những hành vi không lành mạnh. Nhóm thanh niên nhận được sự hỗ trợ lớn từ phụ huynh có khả năng xử lý vấn đề tốt hơn và đạt hài lòng cao hơn trong cuộc sống.

Giáo sư Eli Lebowitz thuộc Trung tâm nghiên cứu trẻ em Yale cho rằng phụ huynh thường khó nhận diện được sự can thiệp của mình trong đời sống của con cái.

Tuy nhiên, khảo sát của Pew đã thể hiện sự thay đổi từ phía phụ huynh hiện tại. Có 7/10 nói họ hài lòng với mức độ tham gia của mình trong cuộc sống của con. 7% nói họ đang can thiệp quá mức và 25% nói họ muốn có thêm sự tác động.

Bà Cathy Perry, 66 tuổi, là mẹ của hai con trai 32 và 36 tuổi. Họ có nhóm trò chuyện gia đình để con trai chia sẻ chuyện con cái và hỏi ý kiến mẹ về sự nghiệp, tài chính và công việc nhà. Họ khá gần gũi và cởi mở.

Người phụ nữ ở TP St Louis, bang Missouri đã tự so sánh mối quan hệ với bố mẹ mình ngày trước. Bà từng sống cách nhà khoảng 11 giờ lái xe và các cuộc gọi được tính từng phút.

"Tôi cảm thấy thế hệ ngày nay có quyền tự do bày tỏ quan điểm hơn", bà nhận xét. "Kể cả với những điều tôi có thể không đồng ý với chúng".

Những cuộc trò chuyện tâm lý đã trở thành đã trở thành lợi thế lớn của các bậc phụ huynh.

"Họ có thể là thế hệ đầu tiên lớn lên với cha mẹ có tư duy cởi mở như vậy", giáo sư Lebowitz nhận định.

Ngọc Ngân (Theo StraitsTimes)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
15492
Số người truy cập:
8284444