Rau diếp vũ trụ giúp phi hành gia tránh loãng xương

 Rau diếp biến đổi gene có thể ngăn chặn giảm mật độ xương ở phi hành gia trong vũ trụ. Ảnh: Kevin Yates

Rau diếp biến đổi gene có thể ngăn chặn giảm mật độ xương ở phi hành gia trong vũ trụ. Ảnh: Kevin Yates

Chứng loãng xương là vấn đề phổ biến khi con người trải qua thời gian dài ở môi trường vi trọng lực trong vũ trụ. Phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cần tập thể dục ít nhất 2 giờ mỗi ngày và uống thuốc chống loãng xương để hạn chế ảnh hưởng. Nhưng trong nhiệm vụ dài ngày hơn như chuyến bay chở người tới sao Hỏa, họ sẽ cần tiêm thuốc tạo xương mạnh, khiến diện tích khoang chở hàng bị thu hẹp.

Nhà nghiên cứu Kevin Yates ở Đại học California, Davis, và đồng nghiệp sử dụng một loại vi khuẩn trong đất để chuyển gene tạo hormone parathyroid (PTH) sang rau diếp. Loại hormone này thường được sử dụng như thuốc kích thích tạo xương. Nhóm nghiên cứu kiểm tra một loạt cây rau diếp biến đổi gene và quan sát thấy phần lớn mẫu vật cung cấp 10 - 12 miligram PTH trên mỗi kilogram. Phi hành gia cần bổ sung lượng PTH cần thiết bằng cách ăn 280 g rau diếp mỗi ngày.

Nhóm của Yates cho rằng họ có thể cải thiện kết quả ban đầu công bố hôm 22/3 tại hội thảo mùa xuân 2022 của Hiệp hội hóa học Mỹ tại San Diego, California. Họ hy vọng sản xuất thuốc từ cây trồng trong không gian sẽ trở thành điều bình thường trong các nhiệm vụ tương lai. "Đây là một cách tư duy và giải quyết vấn đề trong thám hiểm không gian", Yates nhấn mạnh.

Yates cũng dự đoán loại rau diếp trên có thể dùng để điều trị chứng loãng xương cho hàng triệu người trên Trái Đất. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu David Reid ở Đại học Aberdeen, Anh, việc sử dụng hormone xây dựng mô như PTH có thể không cần thiết bởi có nhiều loại thuốc giúp ngăn mật độ xương giảm dần.

An Khang (Theo New Scientist)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
25255
Số người truy cập:
9275227