Nằm trên đường Võ Văn Tần, quán cà phê có không gian nhỏ, mặt tiền chỉ rộng khoảng 2,5 m, đều đặn khách ra vào từ sáng đến tối. Quán trang trí bên ngoài đơn giản chỉ với bảng hiệu, bên trong rộng khoảng 10 m2 để vài ghế nhỏ. Các góc tường để kín máy rang xay, chiết xuất, pha chế cà phê, khoảng không gian còn lại đủ cho 5 khách ngồi sát nhau, nếu đông hơn phải ra vỉa hè. Hai nhân viên pha chế làm việc luôn tay. Quán không có thực đơn cũng như giá cả. Khách tự trả tiền vào chiếc hộp gỗ để trong góc tường, có dòng chữ "Tuỳ tâm".
Quán mở từ tháng 4/2021, là tâm huyết và cũng để thoả mãn đam mê của ông Ôn Tấn Lực, 50 tuổi. Ông Lực từng là một vận động viên quần vợt nổi tiếng của Việt Nam và cũng đang làm huấn luyện viên môn này. Khoảng năm 2010, ông Lực bắt đầu tìm hiểu về cà phê rồi đi dạy. "Trong quá trình nghiên cứu về đồ uống này, tôi muốn nhiều người hiểu về cà phê một cách bài bản, nhất là loại organic", người đàn ông 50 tuổi nói về lý do mở quán.
Theo ông Lực, cà phê organic hay cà phê hữu cơ, là loại không sử dụng phân bón tổng hợp hay hoá chất trong trồng trọt hoặc sản xuất. Nguồn nguyện liệu hạt cà phê của quán được lấy từ khu vực Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đắk Mil (Đắk Nông).
Ông Lực đầu tư khoảng một tỷ đồng để mua các loại máy xay rang, pha chế cà phê. Ông chọn mặt bằng nhỏ vì hướng tới nhu cầu thưởng thức cà phê của khách thay vì các tiện ích đi kèm như quán xá thông thường. Mọi người tới hầu hết chọn mang đi, lúc mới mở mỗi ngày chỉ tiêu thụ 30 ly nhưng hiện tại, trung bình quán tiêu thụ khoảng 150 ly, cuối tuần thì đông hơn. Ngoài ra, quán cũng bán thêm cà phê rang xay.
Chủ quán chọn hình thức tuỳ tâm, khách uống xong có thể trả theo tâm trạng, độ ngon của thức uống mình cảm nhận được hoặc không trả tiền. "Nếu tôi tính theo giá thị trường, một ly cà phê organic không hề rẻ, thường gấp đôi loại thông thường. Vì vậy không phải ai cũng tiếp cận được loại thức uống này, nên tôi để mọi người tự trả tiền theo cảm nhận khi uống", ông Lực nói.
Từ ngày đầu mở quán, ông Lực đã thấy có những người bỏ hàng trăm nghìn đồng vào hộp, nhưng có trường hợp chỉ bỏ tiền lẻ. Vì lý do đó nên hộp tiền cũng để trong góc khuất để nhiều khách đỡ ngại.
Không đặt ra giá cả cụ thể cho những ly cà phê giúp chủ quán thấy thoải mái, bớt được công việc tính tiền chi tiết cuối buổi, kiểm soát hóa đơn. "Tôi không quan tâm tới lợi nhuận, số tiền có được sẽ dùng để mua nguyên liệu, trả công nhân viên thôi", chủ quán nói.
Quán không để tên từng loại thức uống, nhân viên thường gợi ý các món để khách tự chọn ra ly cà phê theo đúng khẩu vị nhất. Thay vì dùng sữa đặc, nơi đây chọn sữa hạt tự làm để đồ uống có hương vị riêng. Mọi người cũng được thoải mái quan sát, tìm hiểu về cách pha chế, phân biệt từng loại cà phê...
Gần một tháng nay, mỗi tuần hai lần khi có công việc đi ngang, anh Lê Hiếu Nghĩa lại ghé mua hai ly cà phê sữa mang đi. Nhận hàng xong, anh dừng xe vào quán, bỏ lại trong hộp 50.000 đồng. "Cà phê ở đây ngon, thơm và cách pha chế cũng rất bài bản", người đàn ông 38 tuổi cho biết.
Lần thứ hai ghé quán, anh Mai Công Minh, 26 tuổi, chọn ly cà phê sữa nhưng không quá ngọt, ít béo. Lần này anh chọn ngồi lại quán để cùng trò chuyện với mọi người. "Mô hình này khá thú vị, tôi thấy thoải mái khi mình được trả tiền theo cảm nhận của đồ uống. Công ty tôi gần đây nên chắc chắn tôi sẽ ghé quán nhiều lần sau nữa", anh Minh nói.
Quán mở cửa từ 6h đến 22h hàng ngày. Ngoài cuối tuần, giờ đông khách nhất của quán là 10h-14h và 16h-18h, khi nhân viên văn phòng gần đó ra ngoài. Hạn chế của quán là chỗ đỗ xe không nhiều, khuyến khích mọi người mua mang đi.
Quỳnh Trần