Quái thú gieo rắc kinh hoàng ở Pháp thế kỷ 18

 Mô phỏng quái thú vùng Gévaudan. Ảnh: Mythical Creatures

Quái thú chủ yếu săn phụ nữ và trẻ em không có khả năng tự vệ khi họ đi lại ở vùng đồng quê hoặc chăn gia súc trong những khu rừng xung quanh, theo Amusing Planet. Nạn nhân được phát hiện trong tình trạng rách cổ họng và thân thể không nguyên vẹn. Xét từ độ hung bạo của các cuộc tấn công, thủ phạm được cho là một con thú khổng lồ. Những người sống sót cũng mô tả quái thú to bằng con lừa với hàm răng dài, tai nhọn dựng ngược và phần đuôi đầy lông. Một số người cho rằng đó là chó sói hoặc linh cẩu trong khi số khác suy đoán nó là vật thể siêu nhiên.

Cuộc tấn công đầu tiên của quái thú diễn ra vào mùa hè năm 1764, khi một người phụ nữ tên Marie Jeanne Valet bị rượt đuổi bởi sinh vật "giống chó sói, nhưng không phải chó sói". Tuy nhiên, những con bò trong đàn bảo vệ bà bằng cách đuổi ngược lại quái thú. Vài tuần sau, con vật giết nạn nhân đầu tiên là cô bé chăn cừu 14 tuổi tên Jeanne Boulet.

Khi số vụ tấn công tăng lên, nỗi sợ hãi bao trùm cộng đồng dân cư và nhà chức trách địa phương quyết định hành động. Étienne Lafont, một đại biểu chính phủ trong vùng và đội trưởng Jean Baptiste Duhamel, chỉ huy bộ binh ở địa phương, tập hợp trai tráng đi săn và giết quái thú. Vài người suy đoán có nhiều hơn một con quái thú do số lượng lớn vụ tấn công xảy ra trong thời gian ngắn. Nhiều người khẳng định từng trông thấy hai con quái thú đi săn cùng nhau.

Hàng nghìn người đàn ông tình nguyện săn giết con vật. Duhamel tổ chức nhóm theo tiêu chuẩn quân đội, đặt mồi nhử tẩm độc, thậm chí một số binh lính còn giả trang thành nữ nông dân để dụ quái thú. Phần thưởng cho việc giết được quái thú bằng tiền lương làm việc một năm của công nhân.

Ngày 12/1/1765, cậu bé Jacques Portefaix và bạn bè bị quái thú tấn công khi ở trên đồng cỏ với đàn gia súc. Tin tức về vụ tấn công truyền tới tai vua Louis XV. Portefaix và bạn bè tìm cách thoát thân bằng cách đứng xúm lại và dọa quái thú bằng cọc nhọn. Vì lòng dũng cảm của Portefaix, vua Louis XV đã thưởng cho đám trẻ và trả tiền học cho chúng. Ông cũng chỉ đạo chính phủ tìm kiếm và tiêu diệt quái thú.

Tháng 2/1765, hai thợ săn chuyên nghiệp là Jean Charles Marc Antoine Vaumesle d'Enneval và con trai ông Jean-François, tới Clermont-Ferrand với 8 con chó Bloodhound được huấn luyện để săn chó sói. Trong 4 tháng sau đó, hai cha con săn chó sói Á Âu và tin chắc quái thú thuộc loài này. Tuy nhiên, khi các vụ tấn công tiếp diễn, họ bị thay thế bởi François Antoine, hộ vệ do nhà vua tiến cử.

Tháng 9 năm đó, Antoine giết một con sói xám lớn có kích thước khổng lồ, cao 76 cm, dài 170 cm và nặng 60 kg. Một số người sống sót được gọi đến để nhận dạng cái xác. Họ lập tức nhận ra những vết sẹo trên mình nó do những nạn nhân gây ra trong lúc tự vệ. Có vẻ như cuối cùng quái thú vùng Gévaudan đã bị chế ngự. Xác con chó sói được nhồi bông và đưa tới tòa án hoàng gia ở Versailles. Antoine ở lại, tiếp tục tìm bạn đời của quái thú và hai con non đã lớn của chúng. Ông không mất nhiều thời gian để lần ra các thành viên còn lại trong gia đình và bắn chết chúng. Antoine trở lại Paris như một người hùng, được ban tước hiệu và trọng thưởng tiền.

Sau hai tháng ngắn ngủi, các cuộc tấn công bắt đầu xuất hiện trở lại vào tháng 12/1765. Lần này, quái thú dường như hành động khác biệt. Trước đó, sinh vật này có vẻ sợ gia súc. Lần này, nó không hề tỏ ra sợ hãi. Số vụ tấn công tiếp diễn trong 18 tháng sau đó, với 30 - 35 nạn nhân bị giết chết. Nhà vua không quan tâm tới những vụ tấn công mới. Đối với ông, quái thú đã chết.

Không có sự hỗ trợ của nhà vua, người dân địa phương phải tự giải quyết vấn đề và tổ chức đi săn. Cuối cùng, vào ngày 19/6/1767, một thợ săn trong vùng tên Jean Chastel giết con sói lớn thứ hai. Người dân mổ bụng nó và tìm thấy xác nạn nhân cuối cùng. Cái chết của con thú kết thúc chuỗi vụ tấn công. Cả hai con chó sói đều đặc biệt to và có màu lông khác thường, khiến một số người suy đoán chúng là con lai giữa chó sói và giống chó chăn cừu lớn trong vùng.

Việc khám nghiệm con vật bị giết bởi Jean Chastel do một bác sĩ phẫu thuật ở địa phương phụ trách, nhưng trước khi ông chạm vào cái xác, nó đã bị người dân mổ xẻ để trút giận hoặc do tò mò. Kết quả là vị bác sĩ không thể nhận dạng con vật.

Danh tính của quái thú vùng Gévaudan tiếp tục gây tranh cãi. Mô tả về quái thú ở các tờ báo thời đó phù hợp với sư tử, linh cẩu sọc hoặc thậm chí loài động vật săn mồi tiền sử đã tuyệt chủng tên Hyaenodon. Tuy nhiên, giới nghiên cứu phần lớn cho rằng các vụ tấn công do một con hoặc một đàn chó sói gây ra. Chó sói tấn công khá phổ biến vào thời đó, không chỉ ở Pháp mà cả châu Âu. Số liệu thống kê cho thấy chó sói tấn công là nguyên nhân khiến 9.000 người ở Pháp tử vong chỉ từ thế kỷ 17 đến 19.

An Khang (Theo Amusing Planet)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3244
Số người truy cập:
5300749