PwC: Nhiều người tiêu dùng thích ứng với lạm phát

 Kết luận được PwC nêu ra sau khi khảo sát nhu cầu 9.069 người tiêu dùng ở 25 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo của công ty này, phần lớn người tiêu dùng đang phải đối mặt với mức lạm phát cao hơn. Tuy nhiên, trên 75% dự kiến duy trì hoặc tăng mức chi tiêu hiện tại trên hầu hết danh mục trong 6 tháng tới. Đặc biệt, 47% người được hỏi mong muốn chi tiêu nhiều hơn cho hàng nhu yếu phẩm.

Người dân Mỹ mua sắm tại một siêu thị. Ảnh: Reuters

Nhìn chung, sự gia tăng giá của mặt hàng nhu yếu phẩm là vấn đề phổ biến nhất tác động đến trải nghiệm mua sắm. 57% người tiêu dùng toàn cầu nói rằng họ luôn luôn hoặc thường xuyên gặp phải tình trạng giá hàng tạp hóa tăng cao. Số liệu này ở Mỹ và Canada là 69%, theo sau là Nam Phi (76%) và Brazil (74%) - các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tình trạng lạm phát giá cả hàng hóa. Trong khi đó, tại Việt Nam, kết quả báo cáo trong mua sắm tại cửa hàng và trực tuyến cũng đều cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu.

Trước đó, một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos của Mỹ cho biết người tiêu dùng đánh giá lạm phát sẽ không biến mất trong thời gian ngắn và họ buộc phải thích nghi. Theo đó, người Mỹ chọn ăn thường xuyên hơn ở nhà; mua sắm ít hơn hoặc tìm sang các mặt hàng có giá thấp hơn, tìm kiếm sản phẩm được khuyến mãi; lựa chọn các điểm bán bình ổn giá.

Ngoài ra, số liệu khảo sát của PwC cũng cho thấy người tiêu dùng đã thích nghi được với gián đoạn chuỗi cung ứng.

Với những người đang bị ảnh hưởng do thiếu hụt sản phẩm, vận chuyển bị trì hoãn..., họ không ngần ngại thay đổi hành vi mua sắm. Cụ thể, 37% người cho biết sẽ đến các cửa hàng khác nhau để mua hàng hoặc chuyển sang mua sắm trực tuyến. Gần 30% người mua sắm trực tuyến nói sẽ chuyển sang tìm sản phẩm ở cửa hàng bán lẻ và 40% sẽ sử dụng các website so sánh để kiểm tra sản phẩm sẵn có.

Tình trạng bất ổn trên toàn cầu và các vấn đề chuỗi cung ứng cũng khiến nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn đối với hàng hoá trong nước. 8 trên 10 người được khảo sát bày tỏ ý định sẵn sàng trả giá cao hơn mức trung bình cho các sản phẩm địa phương hoặc nội địa.

Tại Việt Nam, theo PwC, sự gián đoạn chuỗi cung ứng cho thấy tác động lớn hơn đến người tiêu dùng so với mức trung bình toàn cầu với thời gian giao hàng lâu hơn cho 48% người mua sắm trực tuyến và 24% với mua sắm tại cửa hàng.

Mohammad Mudasser, Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương Vụ, PwC Việt Nam, cho biết người tiêu dùng Việt đang áp dụng những cách thức mua hàng mới, đặc biệt là ở các đô thị loại 1.

"Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lạm phát, khách hàng đã nhanh chóng điều chỉnh hành vi mua sắm của mình. Họ không thỏa hiệp với chất lượng sản phẩm, lựa chọn và dịch vụ thấp hơn mà tích cực chuyển đổi giữa các kênh mua hàng để đảm bảo trải nghiệm mua sắm phù hợp", ông nói.

Theo ông, sự gián đoạn chuỗi cung ứng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khi tận dụng những chỗ trống trong cung cấp dịch vụ. Đây sẽ là bài kiểm tra sự nhạy bén và sức bền của doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết tình trạng gián đoạn, đáp ứng kỳ vọng và duy trì mối quan hệ với khách hàng.

Bên cạnh đó, báo cáo của PwC cũng chỉ ra những thói quen tiêu dùng mới ăn sâu và duy trì trong 6 tháng tới.

Do đại dịch, 63% người tiêu dùng toàn cầu được khảo sát cho biết họ đã tăng cường mua sắm trực tuyến, trong khi 42% giảm mua sắm tại các cửa hàng. Một nửa số người được hỏi đã nấu ăn ở nhà nhiều hơn và 50% đã tăng các hoạt động giải trí tại nhà...

Đức Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12531
Số người truy cập:
7300643