“SiêuTrái Đất” được phát hiện bởi kính thiên văn Kepler và được đặt tên là Kepler-10c, quay quanh một ngôi sao nằm cách nó 560 năm ánh sáng.
Độ lớn của Kepler-10c khiến giới thiên văn tò mò. Từ trước tới nay, giới khoa học luôn cho rằng những hành tinh lớn như thế sẽ hút rất nhiều khí hydro để trở thành quả cầu khí khổng lồ như sao Mộc hoặc sao Hải Vương.
Giáo sư Dimitar Sasselov tại Trung tâm thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết Kepler-10c còn lớn hơn cả những phiên bản Trái Đất khổng lồ mà con người từng phát hiện trước đây.
"Kích thước của nó gấp hơn 17 lần địa cầu. Mật độ vật chất của nó là 7,5 g/cm3, lớn hơn nhiều so với mật độ 5,5 g/cm3 của Trái Đất", ông Sasselov nói.
Một điều thú vị là Kepler-10c xoay quanh một ngôi sao có tuổi khoảng 11 tỷ năm. Với tuổi đời như thế, ngôi sao ra đời trong thời kỳ đầu của vũ trụ. Đó là thời kỳ các ngôi sao bắt đầu nổ tung để tạo ra những nguyên tố nặng - nguyên liệu cần thiết để tạo nên những hành tinh có bề mặt cứng như Trái Đất.
"Sự tồn tại của Kepler-10c cho thấy những hành tinh có bề mặt cứng có thể ra đời sớm hơn so với tính toán của chúng ta. Nếu có thể tạo ra đá, tức là thời điểm ấy đã có thể tạo ra sự sống", ông Sasselov nhận định.
Theo chinhphu.vn