Deepsea Challenger, tên của chiếc tàu ngầm mà James Cameron sử dụng để thám hiểm rãnh Mariana, lặn thử trong vùng biển của Papua New Guinea hồi tháng 2. Ảnh: National Geographic. |
Người từng đạo diễn các siêu phẩm điện ảnh như "Titanic", "Avatar" cùng một số chuyên gia của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ dùng một tàu ngầm có khối lượng 12 tấn để thám hiểm rãnh Mariana ở phía tây nam Thái Bình Dương. Đáy của rãnh này được coi là nơi sâu nhất trên địa cầu.
AP dẫn lời Stephanie Montgomery, một thành viên trong đoàn thám hiểm, cho hay, chiếc tàu lặn xuống độ sâu gần 11 km để đoàn thám hiểm quay phim rãnh Mariana trong hơn ba giờ. Nó ngoi lên mặt nước vào sáng nay (theo giờ địa phương) và tiến vào bờ biển phía đông của Mỹ.
Rãnh Mariana là một nơi khó đối với hoạt động thám hiểm. Chiều rộng của nó gấp 120 lần hẻm núi Canyon (có chiều rộng từ 6,4 tới 29 km) hùng vĩ tại Mỹ và độ sâu của nó là gần 11 km. Quá trình chuẩn bị cho chuyến thám hiểm của Cameron đã diễn ra trong 7 năm, The New York Times cho biết.
"Đây là lần đầu tiên con người có cơ hội chiêm ngưỡng rãnh Mariana, một nơi rất xa lạ", Terry Garcia, một nhà nghiên cứu của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ, phát biểu.
Đạo diễn James Cameron bước ra khỏi tàu ngầm Deepsea Challenger trong một lần lặn thử ở vịnh Jervis của Australia hồi tháng 2. Ảnh: AP. |
Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với những chuyến thám hiểm các rãnh dưới đại dương là áp suất nước rất lớn. Ở độ sâu gần 11 km so với mặt nước, áp suất nước tương đương với khối lượng của ba chiếc ô tô thể thao đa dụng trên một ngón chân người.
"Với áp suất khủng khiếp đó, tàu ngầm có thể nổ tung nếu một vết nứt hay lỗ thủng xuất hiện trên vỏ tàu", đạo diễn Cameron nói.
Cameron từng thực hiện 72 chuyến thám hiểm đáy đại dương, bao gồm 33 chuyến tới xác của tàu Titanic - đối tượng chính trong bộ phim bom tấn cùng tên do ông đạo diễn năm 1997.
Xem thêm: Những hình ảnh chưa từng có về tàu Titanic
Minh Long